Sửa đổi Bộ luật Lao động hài hòa và phù hợp với thực tiễn
09/04/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) do Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee làm Trưởng đoàn. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi một số vấn đề liên đến quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam.
ILO cam kết hỗ trợ Việt Nam sửa đổi Bộ luật Lao động.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi. Nhiều nội dung quan hệ lao động mới cần tính đến trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đề nghị của Chính phủ và ý kiến của Quốc hội, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi căn bản, toàn diện.
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi hiện đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ này để lấy ý kiến góp ý của người dân. Bộ LĐ-TB&XH sẽ cập nhật các ý kiến, tổng kết của các địa phương, các ngành trong quá trình triển khai Bộ luật Lao động 2012 và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đến tháng 12/2018 sẽ trình dự thảo đầy đủ Bộ luật Lao động sửa đổi lên Chính phủ, trước đó sẽ trình Bộ Tư pháp xin ý kiến. Dự kiến, năm 2019 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ trình Quốc hội và được thảo luận tại Kỳ họp tháng 5/2019 và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết, ILO sẵn sàng hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động. Để đảm bảo tiến độ tháng 12/2019 trình Chính phủ dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, Giám đốc Chang-Hee Lee đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần vạch rõ khung thời gian các việc cần hoàn thiện, cũng như những nội cần các chuyên gia ILO hỗ trợ. Giám đốc Chang-Hee Lee cũng cho biết, không chỉ các chuyên gia Văn phòng ILO tại Việt Nam mà ILO sẵn sàng huy động các chuyên gia của ILO tại Bangkok (Thái Lan) và Geneve (Thụy Sỹ) để hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH trong quá trình sửa Bộ luật Lao động.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Mạnh Cường thông tin, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, bên cạnh sự hỗ trợ của Tổ chức ILO tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế cũng như đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi tổ chức lại có những mối quan tâm khác nhau: Các nước EU quan tâm đến vấn đề quan hệ lao động; Nhật Bản và Canada quan tâm tới nội dung thương lượng và đối thoại với người lao động; thông qua tổ chức hợp tác Đức (GIZ), chính phủ Đức quan tâm nội dung BHXH và việc làm thêm;… Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Cường đề nghị ILO đồng hành cùng các tổ chức, đại sứ quán các nước tại Việt Nam tiếp tục phối hợp và có sự hỗ trợ xuyên suốt với Bộ LĐ-TB&XH trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp giao Vụ Pháp chế nhanh chóng xây dựng khung thời gian xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi cũng như những nội dung cần sự hỗ trợ của Tổ chức ILO để phía bạn chủ động trong việc điều tiết phối hợp. Các nội dung dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động lần này khá căn bản và toàn diện vì thế sự hỗ trợ của ILO để hoàn thiện Bộ luật Lao động sửa đổi theo hướng hài hòa, phù hợp với thực tiễn là điều cần thiết./.
PV (t/h)