“Mở rộng phạm vi BHXH - Kinh nghiệm quốc tế và các lựa chọn chính sách cho Việt Nam”
09/04/2018 04:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là chủ đề Hội nghị đối thoại vừa được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính và Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội Chang Hee Lee dự và chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ LĐ-TB&XH; Bộ Tư pháp; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Chính phủ; BHXH Việt Nam; LĐLĐ một số tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất;…
BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Cùng với quá trình phát triển và đổi mới, chính sách BHXH của nước ta đã từng bước được cải cách, góp phần nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội của một bộ phận NLĐ, giảm dần sự phụ thuộc từ ngân sách Nhà nước và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH ngày càng được hoàn thiện, góp phần phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thực hiện mục tiêu, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Tuy nhiên, để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội trong dài hạn, Việt Nam cần có những cải cách trong thiết kế hệ thống và tổ chức thực hiện chính sách BHXH; đảm bảo để mọi NLĐ đều được tiếp cận và thụ hưởng quyền an sinh xã hội, chia sẻ thành quả phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ nguyên tắc công bằng, bền vững tài chính và chia sẻ rủi ro của hệ thống BHXH.
Theo đó, với tư cách là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Công đoàn Việt Nam đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, huy động nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH để NLĐ tham gia BHXH được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ BHXH, góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Việc tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách “Mở rộng phạm vi BHXH - Kinh nghiệm quốc tế và các lựa chọn chính sách cho Việt Nam” sẽ là diễn đàn nhằm chia sẻ thông tin về thực trạng và định hướng cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam trong thời gian tới; các kinh nghiệm của chuyên gia ILO và lắng nghe ý kiến phản biện, đề xuất của các đại biểu đối với các chính sách BHXH ở Việt Nam.
Cụ thể, trong chương trình Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin về thực trạng và định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH ở Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế trong thiết kế và triển khai hệ thống BHXH; Kinh nghiệm quốc tế về nâng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh cải cách BHXH ở Việt Nam.
Đối thoại về những bất cập trong chính sách BHXH với 05 vấn đề trọng tâm đã được các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận gồm: Diện bao phủ BHXH còn thấp; Quỹ hưu trí – tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn; Chính sách BHXH thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng; Chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau trong các chính sách BHXH; Tốc độ già hóa dân số nhanh đòi hỏi chính sách phù hợp.
Phản hồi về các lựa chọn cải cách chính sách, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng: Cải cách chính sách BHXH cần tuân thủ đường lối chỉ đạo của Đảng, đó là “kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội”; đảm bảo cho người tham gia BHXH được chia sẻ thành quả từ quá trình phát triển của đất nước. Cần phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng song phải có lộ trình thích hợp; đồng thời phải tăng tính hấp dẫn để mở rộng đối tượng tham gia…
PV