Giám sát thực hiện chính sách an sinh xã hội: Nỗi niềm “3 không”
09/04/2018 12:59 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cuối tuần trước, Tọa đàm Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia do Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì thực hiện, đã được tổ chức tại Lào Cai. Vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc tọa đàm khoa học, các đại biểu đã có những chia sẻ thẳng thắn nhưng cũng nhiều ưu tư…
Chính sách quá nhiều, nhân lực quá mỏng
Với 3 nhiệm kỳ đại biểu HĐND, có thể nói, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai Hà Thị Thiệp là một trong những đại biểu dạn dày kinh nghiệm nhất trong hoạt động giám sát. Gần 15 năm, đã tham gia giám sát rất nhiều chính sách an sinh xã hội, có chính sách dài hơi, có chính sách hỗ trợ tức thì, có chính sách thực hiện theo lộ trình, nhưng tại tọa đàm hôm 7.4, bà Hà Thị Thiệp nói thẳng: Lỗ hổng trong giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội rất lớn. Và tiếc rằng, đó cũng là nhận định chung của 10 đại biểu đến từ các Ban của HĐND tỉnh Lào Cai, HĐND các huyện và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tại tọa đàm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm Đề tài Bùi Sỹ Lợi phát biểu đề dẫn tại tọa đàm.
Có thể khái quát “lỗ hổng” này trong 3 “không”: Không đủ nhân lực và thời gian; chính sách được ban hành nhưng không cân đối được nguồn lực thực hiện; và cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện kết luận giám sát thì cơ quan dân cử cũng không làm gì được.
Theo Trưởng ban Hà Thị Thiệp, thường thì giám sát của HĐND tỉnh hiệu quả hơn nhưng không “ôm xuể” vì nhân lực quá mỏng và thời gian có hạn. Như Lào Cai, đại biểu HĐND tỉnh chỉ có 56 người, được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau, có kiến thức, chuyên môn khác nhau và tất nhiên, không phải ai cũng am hiểu về các chính sách an sinh xã hội. Một năm, HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh chỉ có thể tiến hành khoảng 3 - 4 giám sát chuyên đề. Như vậy, dù muốn, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cũng chỉ có thể chọn 1 trong số các chuyên đề này về an sinh xã hội vì tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương bộn bề vấn đề cần đến sự giám sát của cơ quan dân cử. Trong khi đó, hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện nay rất nhiều, rất rộng. Thống kê hiện có hơn 100 chính sách an sinh xã hội của Trung ương và khoảng 50 chính sách của địa phương được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Với khoảng 300 đại biểu HĐND cấp huyện và 4.000 đại biểu HĐND cấp xã, Trưởng ban Hà Thị Thiệp cho rằng, nếu cơ quan dân cử cấp xã, phường giám sát tốt việc thực hiện chính sách an sinh xã hội thì sẽ rất hiệu quả, vì ở sát sườn người dân nhất. Nhưng thực tế đang theo chiều hướng ngược lại. Đại biểu HĐND xã, phường đa phần lúng túng, loay hoay trong quá trình giám sát, chủ yếu chỉ giám sát được các chính sách tức thì như hỗ trợ gạo cứu đói, cấp phát cái này cái kia cho địa phương còn những chính sách mang tính chuyên sâu hơn thì hầu như rất hạn chế.
Không cân đối được nguồn lực, biết giám sát ai?
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh cho biết, từ nhiệm kỳ trước đến nay, tỷ lệ giảm nghèo của Lào Cai rất tốt, thu nhập của đồng bào được cải thiện tích cực, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với phương tiện thông tin công cộng, truyền thông đại chúng ngày càng nhiều… Từ góc độ của cơ quan dân cử, đại biểu Nông Đức Ngọc thẳng thắn cho rằng, giám sát của HĐND tỉnh về an sinh xã hội còn ít, phương pháp giám sát chưa sâu.
Nhưng từ góc độ của cơ quan thực thi chính sách, ông Nông Đức Ngọc “nói thật”, có những chính sách an sinh xã hội chưa hiệu quả vì không cân đối được nguồn lực hoặc nguồn lực rất phân tán. Chẳng hạn như chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, địa phương rất nỗ lực triển khai nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Hay chính sách được nêu trong Quyết định 2086 của Chính phủ về bố trí nguồn lực để giúp đồng bào các dân tộc có dưới 10.000 người có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đã 2 năm trôi qua nhưng chính sách vẫn “treo” vì Trung ương chưa phân bổ ngân sách; địa phương đã tiến hành lồng ghép với một số chính sách nhưng dựa vào nguồn lực của riêng địa phương thì không thể làm được. Thực tế này cũng làm phát sinh cái “khó” cho cơ quan dân cử, vì trong trường hợp như vậy, “chúng tôi có giám sát cũng không biết phải làm như thế nào, quy được trách nhiệm cho ai?”, một đại biểu chia sẻ.
Vẫn chờ chế tài hậu giám sát
Muốn nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử nói chung, hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội nói riêng, xét đến cùng phải nâng cao hiệu lực giám sát. Nhưng đây cũng là vấn đề “muôn thuở”. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai Bùi Khắc Hiền, dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND đã quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng chịu sự giám sát, nhưng trên thực tế hiệu lực giám sát của cơ quan dân cử, đặc biệt là cơ quan dân cử ở cấp xã, cấp huyện còn rất hạn chế so với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Cùng quan điểm này, bà Hà Thị Thiệp nêu rõ, UBND tỉnh Lào Cai luôn có văn bản chỉ đạo việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được HĐND, Thường trực HĐND tỉnh chỉ ra qua giám sát nhưng “việc giải quyết ở mức độ nào thì chúng tôi cũng chưa thể xác định được, vì ít có điều kiện đến tận nơi, nhìn tận mắt xem cơ quan quản lý khắc phục ra sao. Có vấn đề cơ quan chức năng trả lời, nói là đang làm, nếu cử tri chưa hài lòng, vẫn kiến nghị thì chúng tôi cũng chưa chắc đã quay trở lại giám sát được, vì nhân lực quá mỏng”. Cũng theo bà Hà Thị Thiệp, quy định về trách nhiệm của đối tượng giám sát trong luật hiện hành đã có nhưng còn chung chung, chưa rõ. Ví dụ, nếu cơ quan dân cử phát hiện ra trong một năm, cơ quan mà anh đứng đầu có bao nhiêu vụ việc không giải quyết được thì sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm hay bị xử lý cụ thể bằng hình thức như thế nào? Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn bỏ ngỏ vấn đề này nên cơ quan dân cử, đại biểu dân cử địa phương cũng không khỏi lúng túng.
Hoàn thiện lý luận, cung cấp thực tiễn
Hoàn toàn chia sẻ với nỗi niềm của các đại biểu dân cử ở địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng “nói thật”, dù hoạt động lâu năm trong lĩnh vực an sinh xã hội, cả ở “vai” điều hành thực thi chính sách và 3 nhiệm kỳ làm ĐBQH, với “vai” lập pháp, giám sát, nhưng bản thân ông cũng không thể “thuộc” được hết các chính sách an sinh xã hội.
Đó cũng là một trong những lý do khiến Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất nghiên cứu một đề tài cấp quốc gia về “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam”. Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, mục tiêu của Đề tài này chính là hoàn thiện cơ sở lý luận và cung cấp các căn cứ thực tiễn cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của QH, HĐND các cấp đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát về an sinh xã hội của cơ quan dân cử, có rất nhiều việc phải làm, từ nâng cao năng lực, trình độ đến bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Nhưng đồng thời, một việc vừa cấp bách, vừa lâu dài là rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, tích hợp và tập trung nguồn lực, tránh tình trạng phân tán, đầu tư xây dựng được trường dạy nghề thì lại hết kinh phí mời thầy dạy nghề hay 3 gia đình chung một con bò…; hay chính sách ban hành lại không cân đối được nguồn lực thực hiện… Nếu chính cơ quan dân cử cũng không thể bao quát được hết các chính sách thì giám sát kiểu gì cũng khó hiệu quả.
Theo Báo ĐBND