Phát triển nhân lực chất lượng cao - Yếu tố nòng cốt cho nền kinh tế phát triển

21/11/2022 09:23 AM


Đây là nhận định đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia về lao động, việc làm và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số, do Trường ĐH Công đoàn tổ chức vừa qua.

Phát biểu khai mạc, TS.Lê Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện nền kinh tế tri thức thời đại mới.

Toàn cảnh Hội thảo

“Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trải qua các kỳ Đại hội, quan điểm của Đảng về phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao- được thể hiện xuyên suốt, toàn diện và có tính cập nhật, hướng tới mục tiêu đáp ứng tốt yêu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh mới của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”- TS.Hùng khẳng định.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị DN; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Nhờ đó, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua đã đạt được các kết quả khả quan.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là những đòi hỏi của thị trường lao động thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, thiếu nhân lực chất lượng cao là trở ngại lớn nhất trong hội nhập và phát triển kinh tế.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

“Trong rất nhiều giải pháp đưa ra để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giải pháp “nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo” được xem là nhiệm vụ then chốt, giải pháp trọng yếu để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”- TS.Hùng nhấn mạnh.

Trình bày tổng quan về tình hình lao động, việc làm ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, TS.Nhạc Phan Linh- Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã cung cấp bức tranh tổng quát về tình hình lao động, việc làm ở Việt Nam, đăc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa đi qua và để lại những hệ quả không nhỏ đến vấn đề lao động, việc làm. Đồng thời, TS.Nhạc Phan Linh đã tập trung phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 đến việc làm của NLĐ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, gồm: Thị trường việc làm bị thu hẹp tối đa; thu nhập bị giảm sâu, thậm chí không có thu nhập; việc làm bị gián đoạn, bị mất việc; cuộc sống khó khăn dẫn đến tình trạng rút BHXH một lần gia tăng; lao động di cư và khu vực phi chính thức chịu nhiều ảnh hưởng lớn so với lao động khu vực chính thức do không được bảo vệ.

TS.Cấn Thị Thu Hương- Phụ trách bộ môn Kinh tế Đầu tư (Học viện Ngân hàng) cũng đã chỉ rõ những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với việc làm và công việc của các tổ chức tình nguyện và cộng đồng. Cụ thể, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cơ hội to lớn về việc làm cho họ như: Dự báo sự mở rộng nhanh chóng về quy mô và số lượng các tổ chức từ thiện và tổ chức phi chính phủ; nhiều dịch vụ được cải thiện hơn, thu nhập cho NLĐ trong khu vực này vì thế mà tăng lên…/.

PV