Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’

28/12/2017 03:18 PM


Ngày 27/12, tại Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Vai trò của báo chí CAND trong đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ‘tự diễn biến, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ”.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP

Thiếu tướng Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, với vai trò là lực lượng nòng cốt, tuyệt đối chung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng, Nhà nước, lực lượng CAND nói chung và hệ thống báo chí CAND nói riêng với 26 cơ quan báo chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 40 báo cáo tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí, các nhà báo, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn có uy tín, giàu kinh nghiệm trong và ngoài lực lượng CAND.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề cập toàn diện đến các vấn đề lý luận và thực tiễn sinh động của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, vai trò của báo chí cách mạng nói chung, báo chí CAND nói riêng trong công tác đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND cho biết, về lĩnh vực này, Báo CAND đã mở nhiều chuyên mục, có hàng loạt bài viết, tuyến bài chuyên sâu. Bên cạnh đó, ông Khải cũng góp ý rằng khi phản bác một luận điệu sai trái, một sự việc bôi xấu nào đó, các nhà báo và cơ quan báo chí không nên ngần ngại trong việc nêu đích danh, rõ ràng, cụ thể sự việc đó ra để từ đó có những lập luận, chứng minh sắc bén giúp bạn đọc hiểu rõ, từ đó nhận định chính xác về vấn đề được nêu.

Còn PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, cần tiếp tục giáo dục cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí nhận thức sâu sắc vai trò, tính chất vô cùng quan trọng của nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tình hình hiện nay. Đây là vấn đề căn cốt nhằm thực hiện một nhận định rất quan trọng của công tác tư tưởng đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) là “Công tác tư tưởng phải giữ vai trò đi trước, mở đường cho toàn bộ tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Về thao tác nghiệp vụ, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng cần nâng cao tính cụ thể hóa Nghị quyết bằng những chi tiết, con số, việc làm cụ thể để chứng minh những luận điểm nêu trong Nghị quyết. Cần có những bài bình luận, chuyên luận phân tích có hệ thống những biểu hiện, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ tính chiến đấu đi liền tính thuyết phục. Ngoài ra, cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống, lấy “xây” là chính; “chống” để “xây” tốt hơn.

Ông Nguyễn Hồng Vinh nêu ví dụ, trong khi các gương cán bộ, chiến sĩ CAND tận tụy công tác, vượt khó khăn riêng tư để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, thậm chí có cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, chưa được báo chí nói chung và báo chí CAND tuyên truyền xứng tầm để lan tỏa trong xã hội thì nhiều vụ việc tiêu cực như các vụ án hình sự, các vụ tham ô, tham nhũng lại được miêu tả tỉ mỉ quá mức gây phân tâm, hoang mang, tác động tiêu cực đến dư luận.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: VGP/Tuấn Minh

Báo cáo tại Hội thảo của nhà báo Nguyễn Xuân Hồng (Báo điện tử Chính phủ) lại nhấn mạnh vai trò chủ lưu của báo chí chính thống trong cuộc cạnh tranh thông tin với truyền thông xã hội. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, có thể tóm lược hai mô hình mà truyền thông xã hội đang “lái” dư luận. Thứ nhất là các đối tượng lợi dụng truyền thông xã hội tung ra những “tin giả” để tạo sóng, gây xôn xao dư luận nhằm tăng lượng truy cập, chia sẻ để nổi tiếng nhanh, trục lợi cá nhân hoặc chống phá chế độ. Thứ hai, khi một sự việc thu hút sự quan tâm của xã hội xảy ra thì truyền thông xã hội và thậm chí một số cơ quan báo chí đưa tin dồn dập, đẩy sự việc lên mức khủng hoảng, kèm theo nhận định, bình luận và kết luận chủ quan. Điều này khiến dư luận bị lái theo hướng nhận định mà truyền thông xã hội vô tình hay cố ý tạo ra, tạo thành áp lực cho việc ra quyết định của cơ quan chịu trách nhiệm xử lý. Hơn thế, khi các cơ quan đã có kết luận chính thức nhưng không theo hướng như các đối tượng mong muốn thì họ tiếp tục bình luận bóp méo, xuyên tạc, cố tình làm nhiễu loạn thông tin, gây rối dư luận, từ đó khiến người dân mất niềm tin vào cán bộ, chính quyền, dần dần tạo ra tâm lý chán nản, thờ ơ với thời cuộc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng bày tỏ lo ngại rằng, trong nhiều sự việc, hiện tượng như nêu ở trên, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống chưa được phát huy tốt. Một số cơ quan báo chí, vì áp lực thu hút độc giả, đã vô tình hoặc cố ý khai thác thông tin từ mạng xã hội và đưa tin theo hướng tiếp tay cho các đối tượng, góp phần làm cho độc giả thêm hoang mang. Một số cơ quan khác lại im lặng đứng ngoài cuộc, giữ “khoảng cách an toàn”, vô hình trung làm lợi cho các đối tượng chống phá vì tự các cơ quan này đã triệt tiêu vai trò định hướng dư luận của mình, vô hiệu hóa chính mình trong cuộc đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái. Ông Nguyễn Xuân Hồng nêu ra một số giải pháp như các cơ quan báo chí chính thống cần chủ động đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời tới độc giả, người dân. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn khai thác và ứng dụng truyền thông xã hội, công nghệ mới để tạo ra nhiều sản phẩm và kênh cung cấp thông tin. Về phí các cơ quan chức năng, cần có sự chủ động, cung cấp sớm thông tin nguồn, chính thức cho các cơ quan báo chí để kịp thời đăng tải, nhất là trong trường hợp có những vụ việc nhạy cảm.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Tuấn Minh

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu tham dự Hội thảo. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đánh giá, trải qua hơn 70 năm, từ khi tờ báo “Công an mới” ra đời vào năm 1946, báo chí CAND ngày càng phát triển và trở thành hệ thống với nhiều loại hình, phát hành rộng rãi, khẳng định vai trò tiên phong, xung kích trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận về bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND.

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đề nghị, báo chí CAND cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thiết thực đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Tích cực, chủ động định hướng, cung cấp thông tin; chú trọng tuyên truyền những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phát huy vai trò giám sát của nhân dân và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy vai trò xung kích của báo chí CAND trên mặt trận chính trị tư tưởng, lý luận. Cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tăng cường đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, phóng viên phải gương mẫu, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động báo chí. Tăng cường tính “bút chiến”, đấu tranh phản bác kịp thời, có hiệu quả các luận điệu phá hoại chính trị, tư tưởng, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời đấu tranh phòng, chống thông tin sai trái, lệch lạc, thiếu thận trọng, thiếu trách nhiệm, thiếu chính xác, sai sự thật; hoạt động sai tôn chỉ, mục đích; lợi dụng, xúc phạm đời tư cá nhân. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên báo chí CAND có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ nguyên tắc hoạt động, đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là “Chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” của Đảng…/.

Theo VGP