Nhiều địa phương đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh tế - xã hội

29/12/2017 11:30 AM


Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương đã dành phần lớn thời gian để lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham luận. Đến thời điểm này, nhiều địa phương cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn.

Toàn cảnh Hội nghị (Nguồn: Internet).

Hà Nội lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng chính quyền hành động, TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội và đạt kết quả tích cực.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, các cân đối lớn được đảm bảo. Hoàn thành tất cả 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3% - cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%; Giá trị gia tăng dịch vụ tăng 8,7%.

Tổng thu NSNN trên địa bàn Hà Nội ước đạt 208 nghìn tỷ đồng, vượt 1,6% nhiệm vụ thu, tăng 16% so với năm 2016. Thực hiện rà soát, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2017 được 2.975 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, như: Tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa, liên kết các tỉnh, thành phố; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong nước và ngoài nước; tăng cường đối thoại doanh nghiệp…

Kết quả thu hút vốn đầu tư các dự án ngoài ngân sách đạt 181.142 tỷ đồng (tăng 28%); vốn đăng ký FDI ước đạt 3,4 tỷ USD (tăng 9,3%); tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 308,5 nghìn tỷ đồng (tăng 11%); cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 doanh nghiệp (tăng 11%), vốn đăng ký đạt 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%). Thành phố đã xây dựng “Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp” với các giải pháp đồng bộ để phấn đấu đạt mục tiêu 400.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, kinh tế thành phố có bước phát triển toàn diện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm; công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai còn nhiều bất cập.

Năm 2018, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,3 - 7,8% (dịch vụ: 6,9 - 7,5%, công nghiệp - xây dựng: 8,2 - 8,7%); vốn đầu tư xã hội tăng trưởng từ 10 - 11,5%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng khoảng 11 - 15%; xuất khẩu tăng 7,5 - 8%. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố sẽ tiếp tục tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy mạnh thu hút và thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài; tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm…

T.P Hồ Chí Minh thu ngân sách đã vượt dự toán

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thành phố đạt 8,28%, tăng so với mức 8,25%của năm trước; thu ngân sách thực hiện 347.982 tỷ đồng, đạt 103% dự toán, tăng 12,95%. Chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát tốt, bình quân 11 tháng tăng 4,32%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 78,3 tỷ USD. Lượng kiều hối đạt 5,2 tỷ USD, trong đó 70% tập trung vào đầu tư kinh doanh sản xuất. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 365.700 tỷ đồng, tăng 18%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 6,38 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ.

Trong năm 2017, TP. Hồ Chí Minh cũng công bố đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh nhằm phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, hướng đến hình thức quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở các dự báo, tích hợp các nguồn lực, sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất gắn với Internet và trí tuệ nhân tạo…

Về chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2018, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh được ban hành, Thành ủy, HĐND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể, bắt đầu ngay từ quý I-2018.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh hoàn chỉnh, thẩm định các đề án thuộc thẩm quyền của Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, đảm bảo thông qua trong năm 2018, bắt đầu triển khai năm 2019.

Lào Cai phấn đấu giảm 3% chi cho các đơn vị sự nghiệp công

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, năm 2017 mặc dù tỉnh gặp nhiều khó khăn như chính sách biên mậu Trung Quốc thay đổi, hộ nghèo còn cao, những thiệt hại do thiên tai bão lũ, nhưng tỉnh đã phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 25 chỉ tiêu. Trong đó, thu NSNN đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 50% so với chỉ tiêu Trung ương giao. Thu xuất nhập khẩu Trung ương giao qua 4 lần điều chỉnh, đến nay đã vượt gấp rưỡi với hơn 1.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu như, lượng khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt người; hộ nghèo giảm 8.000 hộ; tình hình an ninh biên giới ổn định…

Trong năm 2018, tỉnh Lào Cai sẽ phấn đấu duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10 - 11%, đồng thời thực hiện 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ thực hiện quyết liệt chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh 4 chương trình và 19 dự án trọng tâm của Tỉnh ủy; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Đặc biệt, theo người đứng đầu UBND tỉnh Lào Cai, năm 2018 tỉnh sẽ tiếp tục tinh giản biên chế, thu gọn các đầu mối trực thuộc, phấn đấu giảm 3% chi trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về một số kiến nghị gửi đến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Lào Cai đề nghị được trích nguồn vượt thu từ đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản đạt được trong năm 2017, để đầu tư trở lại cho tỉnh./.

Theo Chinhphu.vn