Triển khai phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”
25/10/2017 04:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 4575/KH-BHXH về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016- 2020.
Tổ chức phong trào thi đua phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị
Theo đó, kế hoạch tổ chức thực hiện theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 21/8/2017), với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của các tập thể, cá nhân trong Ngành đối với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể trong việc trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHYT, phấn đấu đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 90,7% dân số vào năm 2020; phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhất là những người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Xác định việc đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT cho người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội là giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Phong trào thi đua cần được tổ chức, triển khai với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Việc thực hiện phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình cụ thể và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của đơn vị giai đoạn 2016-2020, gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu thi đua, chú trọng việc phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo và kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân trong Ngành có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu: Cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu phong trào thi đua đã đề ra.
Nội dung phong trào thi đua cần được tổ chức quán triệt đến toàn thể CBCCVC và NLĐ thuộc các đơn vị; xác định rõ trách nhiệm liên quan đến nhiệm vụ của Ngành, của đơn vị trong việc thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo, các chương trình ủng hộ, hỗ trợ người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội.
Tham mưu tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả, nhằm phát triển số người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. BHXH các tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức phong trào thi đua gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT; đề xuất các giải pháp vận động quyên góp, ủng hộ phần kinh phí chưa được NSNN hỗ trợ để người thuộc hộ cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội được tham gia BHYT.
BHXH tỉnh tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo giảm nghèo tại địa phương tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch giảm nghèo bằng các hoạt động đóng góp theo khả năng của đơn vị hoặc tổ chức chương trình quyên góp, vận động chính quyền, đoàn thể tại địa phương ủng hộ phần kinh phí chưa được NSNN hỗ trợ để mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội; tổ chức các chương trình hỗ trợ người dân đã thoát nghèo tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện…
Giải pháp thực hiện
Để thực hiện phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, các đơn vị cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, phối hợp với bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến các chương trình giảm nghèo, thoát nghèo; kế hoạch hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội; kế hoạch vận động phát triển BHXH tự nguyện đối với từng nhóm đối tượng.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, KCB BHYT, đặc biệt hướng đến nhóm đối tượng là người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, HSSV và người thuộc diện chính sách xã hội.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tổ chức đại lý thu, phát hành thẻ BHYT điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo thuận lợi cho đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT.
Bốn là, gắn kết quả tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua với việc đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân của đơn vị.
Tiêu chuẩn thi đua đối với tập thể được xác định thông qua các yếu tố: Có xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch giảm nghèo của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua có hiệu quả, thiết thực, gắn với kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; hằng năm hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ được giao và hoàn thành tỉ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao; tích cực tham gia, hưởng ứng các đợt phát động, huy động nguồn lực để thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; tổ chức vận động, quyên góp để mua thẻ BHYT cho các đối tượng; vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đối với cá nhân, tiêu chí dựa trên các yếu tố: Có nhiều thành tích trong việc bám sát cơ sở; có sáng kiến, giải pháp hữu ích xây dựng, ban hành hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, HSSV…; tham gia hưởng ứng tích cực phong trào thi đua, luôn phấn đấu thực hiện tốt công việc được giao, có nhiều đóng góp về vật chất và tinh thần trong các chương trình vì người nghèo. Hình thức khen thưởng hằng năm do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH tỉnh lựa chọn; khen thưởng sơ kết (dự kiến cuối năm 2018) và tổng kết (dự kiến cuối năm 2020) do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH Việt Nam lựa chọn.
BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch, đề ra các nội dung và giải pháp triển khai có hiệu quả; kịp thời phổ biến, phát động phong trào thi đua đến toàn thể CBCCVC và NLĐ thuộc phạm vi quản lý. Các cơ quan truyền thông, báo chí của Ngành có trách nhiệm tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền phong trào thi đua và nêu các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua. Vụ Thi đua- Khen thưởng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trình Hội đồng Thi đua- Khen thưởng và Tổng Giám đốc khen thưởng.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?