Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

21/04/2017 12:00 AM


Chiều 19/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ vào việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016.

nguyen duc hai 200417.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo

Báo cáo của Chính phủ cho biết trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mua sắm, sử dụng phương tiện thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, nhất là ô tô công, đã có sự chuyển biến tích cực; 73 bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung và thực hiện mua sắm theo quy định. Công tác rà soát, sắp xếp ô tô công được tích cực triển khai thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc.

Tính đến tháng 12/2016, cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý đối với trên 154.000 cơ sở nhà, đất; các cấp có thẩm quyền đã duyệt phương án sắp xếp lại; xử lý trên 123.000 cơ sở nhà, đất. Số tiền thu được từ bán tài sản, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất qua công tác sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc là trên 50.000 tỷ đồng. Công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng hơn. Hệ thống pháp luật về tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo tiếp tục được hoàn thiện...

Nêu rõ những hạn chế, bất cập trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã đề ra 10 giải pháp cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2016, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng được chú trọng, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 đã góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, mua sắm và sử dụng tài sản công; Bố trí thời gian tại kỳ họp để thảo luận và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thay cho việc gửi báo cáo để các đại biểu nghiên cứu như hiện nay.

Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Xây dựng và hoàn thiện các văn bản Luật, Pháp lệnh, các nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; Hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội thông qua; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Gắn công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, tập trung rà soát lại bộ máy quản lý nhà nước, bám sát theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
nguyen thi kim ngan 200417.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng báo cáo có thể đủ điều kiện để trình ra Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần xem xét lại bố cục của Báo cáo về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016, để bố trí các nội dung đảm bảo tính logic, phù hợp hơn; Chú ý tính khả thi của các nhiệm vụ, giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí;…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ xem xét lại về bố cục và các nhận định có phần chưa thống nhất với thực tiễn trong báo cáo. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị nên có biểu dương những địa phương, đơn vị có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, một số hiện tượng mặc dù đã xảy ra nhiều năm, nhưng vẫn chậm được khắc phục như vấn đề xây dựng cơ bản, mua sắm công, vấn đề sử dụng tài nguyên, vấn đề lễ hội, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng cần hết sức chú ý nêu trong báo cáo này. Trên cơ sở những ý kiến của Ủy ban thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh đầy đủ, toàn diện lại báo cáo này cho đầy đủ, toàn diện trước khi trình ra Quốc hội.

HP