Quan tâm, chú trọng phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội
16/06/2024 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và hơn 150 tập đoàn kinh tế, DN, ngân hàng thương mại nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, thu NSNN 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 52,8% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 8,01 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Trong kết quả chung trên, có đóng góp quan trọng của các DNNN. Theo đó, riêng năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Cụ thể, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp NSNN của khu vực DNNN là hơn 166.000 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt. Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN ước đạt hơn 823.000 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp NSNN ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN vẫn còn thua lỗ; kết quả giải ngân vốn đầu tư của nhiều DNNN quy mô lớn chưa đạt kế hoạch; tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: Sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... chưa được xem xét, ưu tiên; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các DNNN còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị DN còn chậm…
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận, góp ý, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng phát triển khu vực DNNN- khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn, với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội”. Theo Thủ tướng, trong 5 tháng đầu năm, các DNNN đã bám sát, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN; đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho NLĐ.
DNNN cũng tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển và đạt nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đề ra. Đến hết tháng 5, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ, bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ. Một số dự án lớn trọng điểm, quan trọng quốc gia đạt giá trị thực hiện cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng như: Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, Quảng Trạch 1; mở rộng thủy điện Hòa Bình, Yaly; đường dây 500kV; chuỗi dự án điện khí lô B; các dự án giao thông (mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, cao tốc Bến Lức-Long Thành, Cảng Hàng không Long Thành, các bến container số 3, 4 tại cảng Lạch Huyện), tái cơ cấu dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn) đạt kết quả tích cực…
Cùng với đó, DNNN tiếp tục giữ vững vị trí, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như: Điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt, viễn thông, CNTT… đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Có DNNN địa phương phát triển mạnh, vươn ra khắp cả nước.
Khu vực DNNN từng bước chuyển mình trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm và áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín trong nước và thế giới. Một số DNNN lớn vươn lên đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiều hạn chế, khuyết điểm của DNNN. Theo đó, việc khai thác nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, tình hình thế giới, có DN thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới việc DNNN mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của các DNNN vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới như: Năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo). Hiệu quả đầu tư phát triển về tổng thể chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có vốn đầu tư lớn tiềm ẩn rủi ro, lỗ lũy kế lớn, liên tiếp trong nhiều năm. Một số DN chưa tối ưu được hiệu quả nguồn vốn, quyết định đầu tư khi năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu, mà chủ yếu dựa vào vốn vay, một số dự án tồn đọng kéo dài.
Năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, còn lạc hậu so với xu thế phát triển; công tác điều hành quản trị kinh doanh chưa được đổi mới nhiều, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường hiện đại. Chế độ đãi ngộ, xử lý trách nhiệm còn mang tính hành chính nhiều, chưa tạo động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường, năng lực quản trị, đầu tư, triển khai dự án nói chung còn thiếu và yếu…
Nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, cũng như DNNN là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Do đó, cần tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Đồng thời, tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án đúng thời hạn quy định. “Chiến lược đúng sẽ giúp DN vượt qua thách thức. Vì vậy, các DN cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN, thu nhập bình quân của NLĐ”- Thủ tướng nói.
Lưu ý nếu DNNN không làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế-xã hội, thì không thành phần kinh tế nào có thể làm được, Thủ tướng khẳng định: “Ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng DN dân tộc, DN quy mô lớn, nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị DNNN thực hiện tốt “5 tiên phong”: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển DN, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh.
Chỉ rõ một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần quan tâm, đồng hành cùng DN một cách thực chất. Đồng thời khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe; quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024, đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thu Thuỷ
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?