Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024
29/01/2024 12:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng nay 29/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024 để thảo luận đối với 5 nội dung, trong đó có 3 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng 5 nội dung thảo luận hôm nay đều là những nội dung quan trọng, khó, có tác động kinh tế - xã hội sâu rộng. Với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các ý kiến đề nghị thể chế hóa đầy đủ các chủ trương về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xã hội hóa trong hoạt động công chứng; phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Cùng với đó rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý các quy định về tiêu chuẩn công chứng viên; việc đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng của công chứng viên; triệt để phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương, sở tư pháp trong việc thực hiện thủ tục hành chính; Bộ Tư pháp tập trung thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, xây dựng chính sách chung cho sự phát triển của hoạt động công chứng.
Về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng cần luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục được khó khăn, vướng mắc phát sinh đang gặp phải; hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung, giải pháp thực hiện các chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai; phù hợp với chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước an toàn và bền vững; phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.
Cùng với thảo luận, cho ý kiến đối với từng nội dung và giao các nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; đồng thời nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ.
Để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể; đầu tư nguồn nhân lực, nguồn lực cho xứng tầm là đột phá chiến lược; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội; lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Toàn cảnh phiên họp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung 3 nội dung trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng cho biết, dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 23 dự án luật, trong đó có nhiều dự án luật rất quan trọng, làm nền tảng pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông ưu tiên thời lượng nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền xây dựng pháp luật, truyền thông chính sách, giáo dục kỹ năng cho nhân dân, nhất là tranh thủ ý kiến xây dựng pháp luật của các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành phải không ngừng chuyên nghiệp hóa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay trong quá trình làm luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
12 BHXH tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ: Đạt nhiều kết ...
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc quyết tâm hoàn ...
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng kịch bản linh ...
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm hoàn thành các ...
Công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2024 của BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?