Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Kết quả giảm nghèo nhanh nhưng tính bền vững chưa cao
18/11/2023 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 17/11, tại tỉnh Lào Cai, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổi chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị.
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, diễn ra sáng 17/11 tại Lào Cai
Dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; các Cục, Vụ thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 của 63 tỉnh, thành phố; đại diện 74 huyện nghèo toàn quốc.
Về phía tỉnh Lào Cai, có các đồng chí: Đặng Xuân Phong,Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các huyện, thị xã, thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24/2021/QH15 đã phê duyệt chủ trương đầu tư "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".
Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. Tính đến năm 2023, chúng ta đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
"Công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Với những thành quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo những giai đoạn trước, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 24/2021/QH15 đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới, cao hơn, bao trùm hướng tới bền vững hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đề ra nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội, Chính phủ đề ra; đã có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có bước cải thiện đáng kể, nâng cao.
Đến nay, trong nửa chặng đường thực hiện, chương trình đã góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Nghị quyết 24 đã đề ra. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh trình bày báo cáo tại Hội nghị
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, có được kết quả đó, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương đã rất cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết công tác giảm nghèo tại vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, thời gian qua nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Người dân cũng băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện chương trình còn chậm. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải.
Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong khái quát, sau 32 năm tái lập tỉnh, Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất cả nước (tỉ lệ hộ đói, nghèo chiếm 55%) trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định; văn hóa - xã hội phát triển tương đối toàn diện, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh đó Lào Cai còn nhiều khó khăn, trăn trở liên quan đến công tác giảm nghèo. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; có 4 huyện nghèo, 66 xã đặc biệt khó khăn, 605/1.568 thôn đặc biệt khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đến nay là 23,9% (hộ nghèo 14,94%, cận nghèo: 8,96%); chênh lệch về thu nhập, mức sống của nhân dân giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn còn cao; nguy cơ tái nghèo còn tiềm ẩn.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ chung xuyên suốt phát triển của tỉnh là "Giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới", vừa ổn định nguồn sinh kế cho đồng bào, vừa góp phần phát triển bền vững cho cả vùng.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề nghị giao vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cả giai đoạn 2021 - 2025 cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện.
Kết luận tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá các báo cáo, tham luận của đại biểu rất sâu sắc. Những ý kiến này sẽ được Bộ tổng hợp, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở để trình Chính phủ trong việc sửa đổi, đề xuất Quốc hội trong việc ban hành nghị quyết thí điểm giao quyền để địa phương thực hiện chính sách một cách linh hoạt, hiệu quả.
Khái quát về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh hai giai đoạn để thấy sự thay đổi tích cực.
Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025
Cụ thể, trước năm 2016, giảm nghèo tập trung vào vấn đề cải thiện thu nhập. Sau đó, các tiêu chí được đề ra thêm từ năm 2016 và đến nhiệm kỳ này (từ năm 2021), mục tiêu giảm nghèo nâng lên một bước, không chỉ hướng tới việc nâng cao thu nhập của các hộ nghèo mà còn cải thiện cả các mặt thiếu hụt khác về xã hội, không giảm nghèo đơn thuần mà giảm nghèo đã chiều, theo yêu cầu cao hơn. Trong đó yếu tố bao trùm, bền vững được đặt lên hàng đầu.
"Nhìn chung, 2 nhiệm kỳ liên tiếp, yêu cầu đề ra với công tác giảm nghèo rất cao mà khó nhất là sự thay đổi tư duy, chuyển sang giai đoạn thoát nghèo bền vững. Thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững còn khó khăn hơn", Bộ trưởng nhận định.
Khó hơn vì những nơi thuận lợi, có khả năng thoát nghèo sớm đã cơ bản giải quyết được, phần còn lại là những vùng lõi nghèo. Đó là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa - những nơi có điều kiện khó khăn toàn diện, cả về lao động, về kinh tế, vốn, tư duy.
Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khách quan mà nói, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng 3 năm qua, kết quả giảm nghèo đạt được rất lớn.
"Với công tác giảm nghèo, bằng tất cả sự khiêm tốn, có thể nói Việt Nam đã đạt kết quả rất tốt, đáng được ghi nhận. Từ một nước đói nghèo, phải lo cái ăn, nay Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hướng đến cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Thực tế, Liên hợp quốc đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong công tác giảm nghèo", Bộ trưởng nhận định, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự là một cuộc cách mạng của toàn xã hội.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ, muốn chọn Việt Nam làm quốc gia tiên phong trong việc phát triển chính sách an sinh xã hội và xây dựng cơ chế việc làm thỏa đáng.
Những thay đổi trong 2 nhiệm kỳ qua, theo Bộ trưởng, là "khó tưởng tượng được", là kết quả những nỗ lực từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bộ trưởng nêu rõ, hiện tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam ở diện thấp.
“Thời điểm 10-15 năm trước, giai đoạn 2007-2008, khi làm Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, ông đi Lào Cai, đến huyện Bát Xát, được báo cáo đến 80-90% số hộ dân thuộc diện nghèo. Nay trở lại Bát Xát, thu nhập trung bình của người dân đều đạt trên 20 triệu đồng/năm” – Bộ trưởng dẫn chứng.
Đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai
Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, xét về tiêu chí giảm nghèo bền vững thì còn nhiều vấn đề để nói. Kết quả giảm nghèo nói chung nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà, thậm chí là mất một vài con bò.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, chương trình giảm nghèo giai đoạn này đã bước sang năm thứ 3 nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào nhà nước còn phổ biến, cấp trên thúc làm mà cấp dưới chần chừ, e sợ.
Phê phán tâm lý né tránh, thiếu trách nhiệm này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khi giải ngân 120.000 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ 68 triệu lượt người trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thời gian đầu nhiều địa phương triển khai chính sách rất chậm. Khi đó, lãnh đạo Bộ phải xuống tận cơ sở đốc thúc. Bộ trưởng đứng ra bảo lãnh để cán bộ mạnh dạn, quyết đoán trong thực hiện, "miễn đừng đưa tiền vào túi riêng". Nhờ nguyên lý đó, gói hỗ trợ lớn chưa từng có tiền lệ khi giải ngân chỉ phát hiện 2 cán bộ sai phạm phải khởi tố.
Từ dẫn chứng đó, Bộ trưởng mở rộng ra công tác giảm nghèo. Nhận định đây là việc khó, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu mọi người, mọi cấp ngành phải cùng làm.
"Vừa qua những nỗ lực chung đã đem lại kết quả tốt, được ghi nhận rồi. Hoan hỉ với kết quả đó nhưng cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những mặt chưa được. Các địa phương cần rà soát công việc của mình xem tồn tại ở đâu để tập trung xử lý, để chương trình giảm nghèo trong thời gian tới giải ngân nhanh nhất mà đạt hiệu quả tốt nhất", Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm quan một số hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ trưng bày tại Nhà tưởng niệm
Về nội dung hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề, Bộ trưởng chỉ rõ những điểm vướng mắc. Bộ trưởng nhận định hướng tháo gỡ là phải có chính sách để trường nghề được dạy văn hóa, để học sinh cấp 3 có thể vừa học nghề và học văn hóa cùng lúc.
Về mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, kế hoạch đề ra đến năm 2025 là phải xóa trên 100.000 căn nhà thuộc diện này ở 74 huyện nghèo. Tổng số vốn bố trí cho hoạt động này là 4.000 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đồng ý phân bổ ngân sách nhiều hơn cho hoạt động này trong những năm tiếp theo.
Bộ trưởng khẳng định "hiện đã có tiền" và yêu cầu các địa phương mạnh dạn giao chỉ tiêu thực hiện, hỗ trợ người dân cụ thể đến từng người đứng đầu.
* Trước khi diễn ra Hội nghị sơ kết 03 năm thược hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2023, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).
Trước Anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đại biểu thành kinh tưởng nhớ Người và nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc. Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2023 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo Cổng TTĐT Bộ LĐ-TB&XH
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?