Cần rà soát nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giáo dục
27/07/2023 05:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 27/7, Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã có buổi làm việc với Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây là sự nghiệp lâu dài, đầy khó khăn, thách thức; do đó cần giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện để có giải pháp, đề xuất, kiến nghị khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện thành công chủ trương quan trọng này của Đảng, Nhà nước.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tính đến ngày 31/3/2023, Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của Chính phủ, 6/6 Bộ và 63/63 UBND tỉnh, thành phố; báo cáo kết quả giám sát tại địa phương của 63/63 Đoàn ĐBQH và 48/63 HĐND cấp tỉnh. Đoàn cũng đã giám sát trực tiếp tại 8 địa phương; tổ chức làm việc với 6 Bộ để làm rõ những nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát. Sau các cuộc làm việc, Đoàn giám sát đều ban hành Thông báo kết luận gửi các Bộ, yêu cầu bổ sung, hoàn thiện Báo cáo chính thức gửi lại Đoàn giám sát. “Những nội dung báo cáo, trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc với Chính phủ là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát đánh giá, hoàn thiện Báo cáo để Ủy ban TVQH chính thức giám sát chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2023 tới”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và chỉ đạo tổ chức triển khai; đánh giá về chương trình tổng thể và các chương trình môn học; vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành và giá sách giáo khoa; thực trạng và đề xuất, kiến nghị đối với vấn đề đội ngũ giáo viên phổ thông; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ việc triển khai chương trình mới; chính sách đất đai, nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường học; việc bố trí nguồn lực và hiệu quả thực hiện ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương trong quá trình triển khai chương trình; việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục…
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Nội vụ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tiếp thu ý kiến; giải trình làm rõ một số vấn đề thành viên Đoàn giám sát quan tâm. Đặc biệt, qua nghiên cứu và nghe giải trình, Đoàn giám sát nhận thấy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông còn những hạn chế, bất cập...
Để bảo đảm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc phối hợp triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; rà soát cơ chế, chính sách, hoàn thiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn ngành, sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và xã hội về việc triển khai chương trình. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới quản trị, quản lý nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục; tổ chức sơ kết, đánh giá, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong thực hiện Nghị quyết.
Nhấn mạnh đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt bảo đảm sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan rà soát, đánh giá toàn diện cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới; đồng thời có giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nguồn tuyển giáo viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về cơ sở vật chất, Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; có giải pháp giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục ưu tiên, thực hiện nghiêm việc bố trí ngân sách cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật NSNN; bố trí đầy đủ kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào DTTS, miền núi. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách xã hội hóa, nhất là việc huy động thêm các nguồn lực hợp pháp đầu tư cho giáo dục-đào tạo nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam trong đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện, kịp thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập để kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?