Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động: Áp dụng từ nhu cầu thực tiễn
23/05/2023 08:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động (TNLĐ) theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, với 3 chế độ, Nhà nước hỗ trợ cao nhất bằng 30% mức chuẩn hộ nghèo.
Theo Bộ LĐTB&XH, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta, tính đến hết quý I/2023 là 33 triệu người, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đang có nhiều người lao động trong khu vực này bị TNLĐ nghiêm trọng trong quá trình lao động. Chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do TNLĐ trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm trên 2.000 người, gấp gần 2 lần khu vực có quan hệ lao động.
Hiện đã có các sản phẩm bảo hiểm thương mại về TNLĐ ở Việt Nam đang được các DN bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận nên có những hạn chế trong việc thực hiện bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ, như: Thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập; người nghèo không có điều kiện tham gia; phải đóng theo thời hạn ngay cả khi không có việc làm…
Ảnh minh họa: Internet.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với TNLĐ ở Việt Nam cần được xây dựng trên cơ sở khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, đồng thời kế thừa tính ưu việt bảo hiểm xã hội bắt buộc về TNLĐ trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
Người lao động được hưởng 3 chế độ
Dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm xã hội TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, được Bộ LĐTB&XH quy định 3 chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Người lao động được xem xét hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện khi có đủ các điều kiện: Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện (trừ các trường hợp: Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật).
Ngoài mức trợ cấp quy định, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp một lần với các mức: Suy giảm 5% khả năng lao động, được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp quy định, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở.
Thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp hàng tháng được quy định: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.Ngoài mức trợ cấp quy định, hàng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5% mức lương cơ sở, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức lương cơ sở.
4 phương thức đóng cho người lao động lựa chọn
Về việc đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, dự thảo quy định 4 phương thức đóng cho người lao động lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng.
Mức đóng cố định theo mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định với mọi người lao động để bảo đảm linh hoạt tăng, giảm đồng bộ với mức hưởng. Dựa trên tính toán cân đối thu chi, dự kiến mức đóng là 2% mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định. Lý do là ở khu vực bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu nhập, tiền lương người lao động không cố định, trong khi đó mức hưởng các chế độ tương đối cố định theo theo mức lương cơ sở.
Bộ đánh giá, phương án này có ưu điểm là mức lương cơ sở được Chính phủ công bố có thời điểm áp dụng rõ ràng, tạo thuận tiện trong việc xác định mức đóng cũng như số tiền ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Với mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định năm 2023 là 3.250.000 đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tương ứng là 65.000 đồng/người/tháng.
Người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng, bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với người lao động khác. Phương án này tương tự mức hỗ trợ quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về hưu trí, tử tuất. Theo phương án này, dự kiến trong 5 năm đầu triển khai, hằng năm ngân sách hỗ trợ tiền đóng từ 23 đến 256 tỷ đồng nếu số người tham gia khoảng 200.000 người.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây đã dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động gồm 6 chương, 39 điều trên cơ sở kế thừa một phần các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động tại Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với phương thức quản lý bảo hiểm tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai.
Bên cạnh các quy định chung, dự thảo đã nêu rõ các quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện…
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?