Cần thể chế, hành lang pháp lý rõ ràng cho sàn giao dịch việc làm
14/08/2023 02:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các vấn đề về thể chế và đổi mới nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm được nêu bật tại Tọa đàm Phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm do Cục Việc làm tổ chức.
Theo ông Trịnh Đức Tài- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, thời gian qua, mỗi năm Bình Dương đã tạo được nhiều việc làm cho NLĐ của tỉnh và lao động đến từ các tỉnh, thành khác; kết nối, giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 35.000 lao động.
Đặc biệt, trước diễn biến thị trường lao động phức tạp khi kinh tế khó khăn như hiện nay, Bình Dương càng quan tâm hơn đến các giải pháp kết nối cung cầu lao động từ hoạt động sàn giao dịch việc làm. “Thông qua sàn giao dịch việc làm, ngành lao động tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm. Việc nghiên cứu, đề ra các phương án giải quyết việc làm, kết nối doanh nghiệp và NLĐ là rất cần thiết. Nhất là trước những thách thức của thời đại chuyển đổi số cùng những biến động khó lường về thị trường lao động và việc làm hiện nay thì yêu cầu về xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập là yêu cầu cần thiết của Bình Dương. Phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm chính là một trong những biện pháp cần thiết, tạo tiền đề quan trọng trong chiến lược phát triển lĩnh vực lao động- việc làm của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn hiện nay”- ông Tài nhận định.
Theo đánh giá hoạt động của các sàn giao dịch việc làm giúp cho NLĐ tìm kiếm được môi trường làm việc và giúp DN tìm kiếm được nguồn nhân lực. Hoạt động của các sàn giao dịch việc làm đã ngày càng hoạt động hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, hoạt động của sàn giao dịch việc làm vẫn còn khó khăn. Qua nghiên cứu nhận thấy, sàn giao dịch việc làm vẫn chưa có hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ và riêng biệt. Hiện trong cả nước, sàn giao dịch việc làm mới chỉ được vận hành do hệ thống Trung tâm DVVL công của 63 tỉnh, thành và do các doanh nghiệp tư nhân tự kết nối thực hiện.
Xét về góc độ quản lý nhà nước, hiện nay, sàn việc làm chỉ được coi là một khâu nghiệp vụ và được lồng ghép trong các phương án của công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho NLĐ; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể đối với các loại hình tổ chức sàn giao dịch việc làm (kinh phí, chế độ hỗ trợ đối với từng đối tượng, cách thức thực hiện, …); không có hoặc có rất ít chính sách hỗ trợ đối với hoạt động sàn cũng như NLĐ. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch việc làm tại các địa phương chưa được kết nối, chưa có sự phối hợp và cung cấp dữ liệu về lao động, việc làm một cách chính thống. Sàn việc làm online trên cả nước hiện nay chưa được kết nối đồng bộ thông suốt (chưa có phần mềm chung), chỉ một số tỉnh tự liên hệ kết nối với nhau. Việc đầu tư kinh phí, nhân lực, máy móc còn hạn chế. Sàn việc làm online lại chưa thật sự phù hợp với số đông đối tượng lao động phổ thông. Mặt khác, yếu tố miễn phí đôi khi chưa thật sự mang tính thu hút đối với những doanh nghiệp lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn theo ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam có quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người, giãn việc, mất việc là trên 506.000 người. Nếu so như vậy thì tỷ lệ này vẫn ở trong khoảng kiểm soát được. Dự báo trong quý III/2023, một số ngành sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng như: điện tử, máy tính, chế biến thực phẩm. Trong khi đó, các ngành may trang phục, sản xuất đồ gỗ vẫn tiếp tục giảm việc làm do thiếu đơn hàng. Vì vậy, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức và sẽ có những nhóm ngành tiếp tục sụt giảm việc làm. “10 năm qua, thị trường lao động của chúng ta quy mô còn nhỏ, các thể chế thị trường lao động mới được thiết lập có hành lang pháp lý như Trung tâm DVVL, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm”- ông Bình khẳng định.
Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và đang đề xuất dự án đầu tư. Việc này đảm bảo một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn 63 Trung tâm DVVL sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc; gắn với việc làm trống. Khi xây dựng xong, Cục Việc làm sẽ tiến tới hoàn thiện hệ thống giao dịch việc làm toàn quốc hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn. Và để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại, bắt buộc phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển. Cần ban hành hành lang pháp lý bao gồm các quy định, chính sách cụ thể đối với từng loại hình sàn giao dịch việc làm thông qua các văn bản Luật và văn bản dưới Luật...
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?