Kịp thời thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương mới của Đảng vào xây dựng pháp luật
27/12/2022 03:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 26/12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2022. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực, có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của một đột phá chiến lược - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Xây dựng thể chế pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và đề nghị xây dựng các luật: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; Luật căn cước công dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Các thành viên Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra các luật, đề nghị xây dựng luật; đồng thời dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào các dự thảo luật, đề nghị xây dựng luật.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung phát sinh trên thực tiễn trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật như: độ tuổi về hưu của Công an nhân dân; tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích xuất sắc của Công an nhân dân; số lượng sĩ quan cấp tướng; quân hàm đối với một số vị trí, chức danh công tác...
Đối với Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận, góp ý các nội dung liên quan việc tích hợp thông tin cá nhân của công dân như tài sản, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, lái xe, thông tin sinh trắc học vào tài khoản định danh điện tử của công dân; nhất thể hóa, đồng bộ tài khoản định danh điện tử công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo vệ thông tin cá nhân; độ tuổi cấp căn cước công dân; quy trình, dự kiến hoàn thiện, thời gian trình Quốc hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu làm rõ những nội dung liên quan quy định về cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; quy định về hoạt động cho vay và hoạt động gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; về hoạt động của ngân hàng điện tử, ngân hàng số; các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng; hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ…
Đối với đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các thành viên Chính phủ phân tích, phân định rõ danh mục sản phẩm do công nghiệp quốc phòng bảo đảm và danh mục sản phẩm do công nghiệp an ninh sản xuất, tránh đầu tư trùng lặp; làm rõ những đánh giá tác động của các chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách; làm rõ mối quan hệ giữa quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với các luật chuyên ngành khác…
Về đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, cùng với phân tích tính cần thiết xây dựng luật, các đại biểu góp ý các nội dung liên quan việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng
Cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể trong các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng có nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật, nghiêm túc tiếp thu, giải trình; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc vai trò cơ quan thẩm định, thẩm tra, có những ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng; các thành viên Chính phủ, các đại biểu phát biểu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao.
Trong đó, với đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thủ tướng đề nghị phải thiết kế công cụ để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa thị trường, chống sở hữu chéo, lợi ích nhóm để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh theo đúng quy luật của thị trường.
Với đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Thủ tướng lưu ý quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, mang tính ổn định, đồng bộ, có tính dự báo cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, không ảnh hưởng tới môi trường, tránh quy hoạch treo, kết nối hợp lý giữa đô thị và nông thôn, quy hoạch khả thi, thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, trình cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số quan điểm, yêu cầu, nguyên tắc chung trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các dự án luật. Theo đó, cần kịp thời thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương mới của Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xử lý hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính và giảm chi phí cho người dân.
Cần tổng kết thi hành pháp luật có liên quan một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng; tăng cường hội thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn để tiếp thu, hoàn thiện, tăng tính khả thi, đồng thuận. Đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, bài bản, đúng quy định để đưa ra được một chính sách hợp lý, khả thi, hiệu quả nhất. Tăng cường học hỏi kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của nước ta, nhất là những vấn đề phức tạp, mới phát sinh, trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
Những vấn đề gì đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình thì thể chế hóa thành luật; cái gì mới, chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội.
Rà soát kỹ lưỡng, xử lý hài hòa giữa các chính sách cụ thể, đặc thù với các chính sách chung, bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với pháp luật có liên quan, tính tương thích với các cam kết quốc tế. Lưu ý quy định chuyển tiếp để bảo đảm tính liên tục của pháp luật, đồng thời không để khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính hợp lý, khả thi, dễ dự đoán, ổn định và hiệu quả của các quy định.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan liên quan; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật.
Sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, trách nhiệm, phiên họp đã hoàn thành chương trình đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực, có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của một đột phá chiến lược. Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 39 dự án, đề nghị xây dựng luật. Chính phủ đã trình Quốc hội 19 dự án luật, trong đó 12 dự án luật đã được Quốc hội thông qua và 7 dự án luật đang được Quốc hội cho ý kiến, với chất lượng xây dựng luật nhìn chung được nâng lên một bước.
Đến chiều ngày 26/12/2022, Chính phủ đã ban hành 106 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 quyết định quy phạm pháp luật.
Chính phủ thực hiện nghiêm túc Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và chuẩn bị cho các năm tiếp theo; tham gia tích cực, hiệu quả vào việc xây dựng, ban hành Nghị quyết 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoan mới; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tích cực rà soát, sửa đổi và đề xuất sửa đổi các quy định, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp; sự đồng hành, phối hợp chủ động, tích cực của Quốc hội với Chính phủ; sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, còn những hạn chế, bất cập cần phải cố gắng hơn nữa trong việc sửa đổi quy trình xây dựng, ban hành văn bản; nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ trình; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, phát hiện, xử lý và tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lấy ý kiến các đối tượng tác động; công tác truyền thông chính sách; đầu tư nguồn lực, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… trong công tác này.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; rà soát các công việc đã triển khai, rút kinh nghiệm với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội. Bám sát tình hình thực tế, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh truyền thông chính sách trước, trong và sau khi ban hành chính sách.
Văn phòng Chính phủ rà soát chương trình công tác xây dựng pháp luật để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phân công các bộ, ngành triển khai, các Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng các văn bản bảo đảm kịp thời về tiến độ, nâng cao về chất lượng. Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật một cách kỹ lưỡng, đầy đủ, thẳng thắn, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sơ kết công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật năm 2022, trong đó có đánh giá cụ thể về 5 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo: tăng cường vai trò người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư nguồn lực; thu hút, nâng cao chất lượng nhân lực. Đánh giá cả 2 mảng công tác: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng nghị quyết - văn bản riêng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ cho năm 2023 và thời gian tới, trên nguyên tắc nội dung, hình thức, tiến độ rõ ràng, giao việc cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát, dễ đánh giá.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?