Tiếp tục hoàn thiện xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
05/10/2022 08:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế bổ sung thêm 2 chính sách vào Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cần quán triệt các quan điểm, yêu cầu sau:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Thứ hai, bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh dược; tiếp cận tối đa các thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; nội dung sửa đổi phải có đánh giá tác động đầy đủ và cụ thể.
Thứ ba, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng, chống đại dịch và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ thuốc khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; bảo đảm kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả, trong đó chú trọng đến vấn đề an toàn.
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế bổ sung thêm 2 chính sách vào Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: BYT
Thứ tư, tăng cường quản lý chặt chẽ các loại dược liệu, nguyên liệu làm thuốc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng luật với các nội dung sau:
Chính sách 1: Về bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới: Thống nhất với nội dung chính sách. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận cao của các cơ quan liên quan và của các đối tượng chịu tác động của chính sách này, đồng thời tăng tính thuyết phục của Chính phủ khi đề xuất chính sách này với Quốc hội, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm căn cứ từ thực tiễn áp dụng Luật Dược hiện hành, kinh nghiệm quốc tế khi lựa chọn một số giải pháp thực hiện chính sách này.
Chính sách 2: Về tăng cường hơn nữa việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân: Thống nhất với nội dung chính sách. Đây là chính sách rất kịp thời nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận sớm, đủ, kịp thời thuốc, vaccine để phòng chữa bệnh, đặc biệt là thuốc mới được sản xuất bởi các nước tiên tiến trên thế giới và thuốc mới sản xuất trong nước.
Chính sách 3: Về nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế: Thống nhất với nội dung chính sách. Bộ Y tế cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa về tính tương thích, khả thi đối với những giải pháp nêu ra tại Tờ trình khi chính sách này được thực hiện trong điều kiện của Việt Nam.
Bộ Y tế chỉnh sửa lại 3 chính sách nêu trên thành nhiều chính sách hơn với các giải pháp của chính sách theo hướng đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, đề xuất đầy đủ các giải pháp, nội dung quy định cần sửa đổi, bảo đảm toàn diện, khả thi. Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế bổ sung thêm 2 chính sách:
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc, nguyên liệu sinh học, thuốc dược liệu chuẩn hóa, nguyên liệu từ nguồn dược liệu có sẵn trong nước.
Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách, bổ sung hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp để đề nghị Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy định.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?