Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2022

27/09/2022 10:14 AM


Không còn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; Thay đổi hệ số lương với các ngạch công chức ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử là một trong những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2022

Không còn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022 được đề cập tại Nghị quyết 116/NQ-CP  năm 2021. Cụ thể: "Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp".

Trong đó, nhóm đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động được giảm mức đóng nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Khi đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hệ số lương với các ngạch công chức ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chính sách tiền lương công chức đầu tiên là quy định về hệ số lương với các ngạch công chức ngành NN&PTNT.

Nội dung đề cập tại Thông tư 08/2022/TT-BNNPTNT về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành NN&PTNT, có hiệu lực từ ngày 06/10/2022.

Theo đó, các ngạch công chức ngành NN&PTNT áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

- Ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

- Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

- Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

- Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm soát viên trung cấp đê điều, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000 đồng/tháng.

Cách xếp lương viên chức ngành thông tin và truyền thông

Chính sách tiền lương viên chức tiếp theo được đề cập tại Thông tư 13/2022/TT-BTTTT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông, có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.

Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư 13/2022/TT-BTTTT , các chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, như sau:

- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Thay đổi cách xếp lương viên chức thông tin truyền thông từ tháng 10/2022.

- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Việc xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức mới thuộc ngành thông tin và truyền thông được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV .

Bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức Lưu trữ

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 07/2022/TT-BNV về chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ, có hiệu lực từ ngày 15-10-2022.

Theo đó, trong quy định về tiêu chuẩn trình độ, đào tạo bồi dưỡng với các chức danh viên chức ngành lưu trữ thì không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với từng vị trí.

Thông tư 07/2022/TT-BNV bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức Lưu trữ.

Hiện hành, tại Thông tư 13/2014/TT-BNV yêu cầu từng chức danh phải đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học tùy theo hạng.

Đơn cử như đối với chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên hạng III (Mã số: V.01.02.02) phải có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam; chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Công chức trong các cơ quan, tổ chức làm công tác lưu trữ được áp dụng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ theo văn bản để thực hiện.

Thu hồi tên miền với hệ thống thông tin xâm phạm an ninh quốc gia

Từ ngày 1/10, hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.

Đây là nội dung trong Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Trong đó, Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền, Theo đó, 2 trường hợp áp dụng gồm: Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng; Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thu hồi tên miền với hệ thống thông tin xâm phạm an ninh quốc gia từ 1/10.

Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, trường hợp áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật, gồm: Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.

Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin.

Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử

Đây là nội dung tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, được Chính phủ ban hành ngày 5-9-2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2022.

Nghị định này quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học gồm ảnh chân dung; vân tay.

Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP.

Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học gồm ảnh chân dung, vân tay.

Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Từ 1/10/2022, bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

Ngày 10/8/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: - Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1-10-2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11-5-2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1-10-2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12-3-2012 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11-5-2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1-10-2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giới chuyên môn cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước.

Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

PV