Khẩn cấp hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
16/05/2022 02:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế và đời sống xã hội, nguy hại đến sinh mạng, sức khoẻ của nhân dân. Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ. “Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, để trẻ em là người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, đảm bảo quyền trẻ em và tiến tới thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn”- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, bà Vũ Thị Kim Hoa- Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, đến nay cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, tập trung nhiều nhất ở TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam. Đây là vấn đề sẽ tác động lâu dài và ảnh hưởng đến việc phát triển sau này của trẻ em.
Toàn cảnh Hội thảo (nguồn: Internet)
Đại dịch Covid-19 còn làm gián đoạn học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng của trẻ em. Ước tính có 7,35 triệu học sinh các cấp phải học trực tuyến thuộc 26 tỉnh, thành phố. Trong đó, việc học tập của nhóm trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em tại một số cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập và nhóm trẻ em khuyết tật bị gián đoạn, do các em thiếu phương tiện để duy trì việc học tập trực tuyến… “Các biện pháp cách ly tại nhà, giãn cách xã hội gây ra những căng thẳng tâm lý cho trẻ em. Trong năm 2021, hàng nghìn trẻ em phải đi cách ly, điều trị không được ở cùng cha mẹ… dẫn đến trẻ em cảm thấy bị cô lập, căng thẳng tâm lý, đối mặt với nguy cơ cao bị xâm hại, cũng như áp lực khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội. Các vụ việc trẻ tự tử hay uống thuốc ngủ liều cao thời gian qua cũng chính một phần do bí bức thời gian dài do dịch Covid-19 gây ra”- bà Hoa cho hay.
Trước ảnh hưởng đại dịch, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt tác động của đại dịch đến trẻ em. Cụ thể, từ nguồn vận động xã hội hỗ trợ trẻ em là con sản phụ bị mắc Covid-19 là 1 triệu đồng/em; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ 5 triệu đồng/em; hỗ trợ trẻ mồ côi cả cha và mẹ do Covid-19 sổ tiết kiệm với định mức 20 triệu đồng/trẻ… Cùng với đó, triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19; Hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em…
Cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19. Khi các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ trẻ em tức thì, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng đưa ra các chương trình để hỗ trợ trẻ em sớm nhất có thể.
Bà Rana Flowers- Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khuyến nghị cần có gói hỗ trợ ngay cho trẻ em dưới 6 tuổi. Gói trợ cấp cho 100% trẻ em dưới 6 tuổi sẽ cần ngân sách khoảng 2% GDP Việt Nam tại thời điểm năm 2020. Qua tính toán, mức này “dễ chịu” hơn so với 5% GDP ở một số nước trên thế giới để hỗ trợ trẻ em và gia đình phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ Chính phủ có thể chuyển khoản ngân hàng cho tất cả trẻ em được hưởng lợi, trường hợp ở vùng sâu vùng xa thì tìm cách khác. Kinh nghiệm quốc tế chỉ rõ nếu chuyển trực tiếp tiền cho phụ nữ- người mua đồ ăn, chăm sóc con- thì số tiền “thực sự dành cho trẻ em”. Nếu chỉ hỗ trợ một số trẻ nhất định thì mắc lỗi thiếu, thừa đối tượng, sai đối tượng, chi phí hành chính sẽ phát sinh. Do đó, Bộ Tài chính cần phối hợp các bộ ngành tư vấn, tham mưu Chính phủ để triển khai. Đồng thời, bà Rana Flowers cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường nhân viên công tác xã hội ở địa phương, song song tập huấn cho lực lượng công an cơ sở để chăm sóc, bảo vệ trẻ em; nâng giới hạn tuổi quy định trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi để phù hợp với quốc tế; bổ sung chương trình đào tạo lại, mở rộng kiến thức nhà tuyển dụng cần trong tương lai như kỹ năng số, kỹ năng mềm; nghiên cứu gói hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ từ 0- 3 tuổi (1.000 ngày đầu đời) vì đây là thời gian não bộ phát triển nhanh nhất.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?