Thu hẹp những khoảng cách trong dịch vụ chăm sóc có thể góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới...
09/03/2022 01:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo báo cáo mới đây của ILO, việc thu hẹp những lỗ hổng lớn hiện hữu trong dịch vụ chăm sóc có thể tạo ra gần 300 triệu việc làm và duy trì khả năng chăm sóc liên tục. Từ đó, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ chăm sóc cho trẻ em và người cao tuổi.
Báo cáo "Chăm sóc trong lao động: Đầu tư vào chế độ nghỉ và các dịch vụ chăm sóc vì một thế giới việc làm bình đẳng hơn về giới" của ILO cho thấy, khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tương đương với 649 triệu phụ nữ, không được hưởng đầy đủ chế độ bảo vệ thai sản đáp ứng được những yêu cầu chính của Công ước Bảo vệ Thai sản của ILO năm 2000 (Số 183). Lỗ hổng đáng kể tồn tại dai dẳng trong các dịch vụ và chính sách chăm sóc đã và đang khiến hàng trăm triệu NLĐ phải gánh vác trách nhiệm gia đình- những công việc không được bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ. Thế nhưng, những nhu cầu này, nếu được đáp ứng, có thể tạo ra gần 300 triệu việc làm vào năm 2035.
Công ước quy định thời gian nghỉ thai sản tối thiểu là 14 tuần được hưởng ít nhất 2/3 mức thu nhập trước đó từ nguồn BHXH hoặc công quỹ. Nghiên cứu cho biết, 82/185 quốc gia được khảo sát trong khuôn khổ báo cáo này không đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu trên, mặc dù “nghỉ thai sản được hưởng lương hoặc bảo vệ thai sản là quyền lao động và là quyền của tất cả mọi người”.
Với tốc độ cải cách như hiện nay, sẽ mất ít nhất 46 năm để đạt được quyền nghỉ thai sản tối thiểu ở các quốc gia nghiên cứu, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không đạt được mục tiêu liên quan của Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc.
Đáng chú ý, hơn 1,2 tỷ nam giới trong độ tuổi sinh sản đang sống ở các quốc gia không được hưởng chế độ thai sản cho nam giới, mặc dù điều này sẽ giúp cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình của cả người mẹ và người cha. Trường hợp có quy định chế độ thai sản cho nam giới, thì thời gian nghỉ vẫn ngắn- mức trung bình trên toàn cầu là 9 ngày- tạo nên một “khoảng cách nghỉ theo giới” lớn. Tỷ lệ nam giới nghỉ hưởng chế độ thai sản cũng ở mức thấp, chính là hệ quả của tiền hỗ trợ chế độ thai sản thấp, cũng như của các chuẩn tắc về giới và thiết kế chính sách.
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Báo cáo cũng đưa ra bức tranh tổng quan toàn cầu về luật pháp, chính sách và thực hành quốc gia về chăm sóc, bao gồm chế độ thai sản cho nữ và nam giới, chăm sóc cha mẹ, con cái và chăm sóc dài hạn. Điều này nêu bật lý do vì sao một số đối tượng không thuộc diện bao phủ của các biện pháp bảo vệ pháp lý này. Những đối tượng này bao gồm: Lao động tự làm, lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, người di cư, cha mẹ nuôi và cha mẹ thuộc cộng đồng LGBTQI+.
Chỉ 40 quốc gia được khảo sát cho thấy, phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ cho con bú có quyền được bảo vệ trước những công việc nguy hiểm hoặc không lành mạnh, phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO. Chỉ có 53 quốc gia quy định quyền được nghỉ làm được hưởng lương để khám sức khỏe trước khi sinh. Vẫn còn nhiều quốc gia chưa đảm bảo được thời gian nghỉ, an ninh thu nhập và các điều kiện thích hợp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi và người khuyết tật hiện cũng đang tăng mạnh do tuổi thọ tăng và tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, đa phần những người có nhu cầu dịch vụ như chăm sóc nội trú, dịch vụ cộng đồng ban ngày và chăm sóc tại nhà vẫn không tiếp cận được dịch vụ, mặc dù “các dịch vụ chăm sóc dài hạn là cần thiết để đảm bảo quyền được già đi một cách khỏe mạnh với đầy đủ sự tôn trọng”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, “một mức đầu tư lớn” nhằm tạo ra một gói chính sách về chăm sóc mang tính chuyển đổi với tiền đề tiếp cận toàn dân sẽ là một định hướng đột phá để xây dựng thế giới việc làm tốt đẹp hơn và bình đẳng hơn về giới. Đầu tư nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong nghỉ phép, dịch vụ chăm sóc trẻ em phổ quát và các dịch vụ chăm sóc dài hạn có thể tạo ra tới 299 triệu việc làm vào năm 2035. Song, để thu hẹp những khoảng cách chính sách này đến năm 2035, đòi hỏi một khoản đầu tư hàng năm là 5,4 nghìn tỷ đô la Mỹ (tương đương với 4,2% tổng GDP hàng năm)- nguồn vốn đầu tư này có thể phần nào huy động bằng cách tăng thuế thu nhập và việc làm tăng thêm.
“Chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách thức mà chúng ta ban hành các chính sách và cung cấp dịch vụ chăm sóc, để làm thế nào hình thành một chuỗi dịch vụ chăm sóc liên tục, mang lại cho trẻ em một khởi đầu thuận lợi, hỗ trợ phụ nữ duy trì việc làm và tránh để mặc các gia đình hoặc cá nhân rơi vào cảnh nghèo đói. Việc thu hẹp những khoảng cách trong dịch vụ chăm sóc này nên được nhìn nhận là một khoản đầu tư không chỉ nhằm hỗ trợ sức khỏe và sinh kế, mà còn hỗ trợ các quyền cơ bản, bình đẳng giới và đảm bảo tính đại diện cao hơn”- bà Manuela Tomei- Vụ trưởng Vụ Điều kiện làm việc và Bình đẳng của ILO cho biết.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?