Thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022
18/02/2022 12:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua các giải pháp nhằm nâng cao quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc (nguồn: Internet)
Về phạm vi của dự án Luật, đã phân định rõ giữa công tác khám bệnh, chữa bệnh và y tế dự phòng, theo đó, tại dự án Luật này sẽ chỉ quy định về vấn đề khám bệnh, chữa bệnh và các nội dung liên quan đến dự phòng, bao gồm: nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần), phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân sẽ được quy định trong dự án Luật Phòng bệnh. Bên cạnh đó, việc cho phép sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có tính chất dự phòng như tầm soát ung thư sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế.
Rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”, theo đó đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (nguồn: Internet)
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động theo hướng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với 10 nhóm chính sách, trong đó tập trung đánh giá tác động đối với quy định bỏ cấp phép hành nghề đối với chức danh y sỹ; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề; phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chỉnh lý Báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 theo hướng cập nhật, bổ sung, phân tích làm rõ hơn các tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành Luật giai đoạn 2019-2021, đặc biệt là các nội dung liên quan đến dịch COVID-19 như vấn đề điều động nhân lực, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa, vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh....
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
Thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ do Chính phủ trình cơ bản đã có đủ các loại tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm chất lượng chuẩn bị dự án Luật, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ như: Bổ sung ý kiến của Bộ Tài chính, nhất là về vấn đề quy định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; làm rõ lý do của việc thu gọn, bổ sung một số chính sách mới; rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa nội dung đánh giá tác động của chính sách với phạm vi áp dụng của chính sách; tập trung đánh giá sâu hơn về vấn đề xã hội hóa dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ khám chữa bệnh, công tác quản lý nhà nước trong khám chữa bệnh, vấn đề khám chữa bệnh theo mô hình bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh lưu động để làm cơ sở quy định trong Luật…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (nguồn: Internet)
Về sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua; bổ sung, hoàn thiện các quy định đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh khi phát sinh tình huống đặc biệt chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19; giải quyết những vấn đề mới đặt ra để phát triển, hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh…
Về các chính sách cơ bản của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, các chính sách được đề xuất đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng liên quan đến đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình mới. Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội và các cơ quan đề nghị làm rõ lý do của việc phải có giấy phép hành nghề (GPHN) đối với 6 nhóm chức danh (bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền) mà không áp dụng đối với những đối tượng khác cũng trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh (như y sĩ, cử nhân trị liệu tâm lý, cử nhân phục hồi chức năng...). Đề nghị phân tích rõ hơn ưu điểm, hiệu quả của việc phân tuyến, phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để làm nổi bật sự cần thiết đổi mới của chính sách này. Đồng thời, cần quy định cụ thể về cơ cấu của mỗi tuyến chuyên môn kỹ thuật; phương thức, cách thức kết nối của các tuyến với nhau trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.
Về thời điểm trình Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đa số các Ủy ban của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về tiến độ trình dự án Luật để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Nhất trí việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022
Qua thảo luận, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng như khẳng định sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp (nguồn: Internet)
Cho ý kiến về dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định nêu rõ, hai báo cáo của Chính phủ trình lần này được chuẩn bị tốt, đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có 3 điểm đáng chú ý: Thứ nhất, việc đề xuất chính sách đã được thu gọn từ 15 chính sách còn 10 nhóm chính sách phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống hiện nay và thời gian tới; Thứ hai, báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được làm đến hết năm 2021; Thứ ba, đã có dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần thứ 3 (không còn ở dạng đề cương chi tiết như những lần trước). Do vậy, Uỷ ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội đã cho ý kiến và bày tỏ đồng thuận cao, thống nhất đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, so với hồ sơ lần trước, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã hoàn thiện hơn rất nhiều, tuy nhiên cần làm rõ một số nội dung trong quá trình soạn thảo và thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội cho rằng báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn chung chung, đề nghị đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực để thực hiện Luật này như đánh giá về nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của xã hội…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vấn đề tài chính - ngân sách, trang thiết bị y tế cho công tác khám chữa bệnh thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến vấn đề này, do vậy việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi và có khung khổ pháp lý thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp (nguồn: Internet)
Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần phải làm rõ một số vấn đề: giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần rà soát lại kỹ lưỡng các vấn đề này.
Vấn đề tài chính - ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo Luật quy định còn chung chung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ Điều 85, Điều 86 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo mọi khoản khi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng các điều kiện gì thì được coi là cơ sở khám, chữa bệnh không vì mục tiêu lợi nhuận; rà soát lại các quy định hiện hành. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu kỹ hơn Điều 87, nhất là khái niệm chi phí chất lượng. Ngoài ra cần làm rõ cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thì gồm những loại gì.
Về cơ chế giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, để đồng bộ với Luật Giá thì xác định như thế nào, ai được quyết định vấn đề này? Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ về cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng với Bộ Tài chính. “Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để quy định giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp liên doanh, liên kết, hiện mới có giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Vậy chúng ta quy định như thế nào vấn đề này trong dự án Luật? Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ được hoàn toàn thì cơ cấu giá dịch vụ có được tính khấu hao hay không, cần tính toán thêm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo dự thảo Luật, Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc để đảm bảo thống nhất. Tuy nhiên, dự án Luật cũng đã phân cấp cơ sở khám chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn: khám, chữa bệnh ban đầu; cơ bàn và chuyên sâu, do vậy, chi phí khám chữa bệnh mỗi cấp sẽ khác nhau, chưa kể đến sự khác biệt về chi phí khám, chữa bệnh theo vùng miền. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng Luật cần có quy tắc chung để xác định chi phí khám, chữa bệnh cho phù hợp với từng trường hợp trước khi giao Chính phủ và Bộ Y tế quy định.
Liên quan đến Điều 89, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu ấn định việc đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị y tế từ nguồn NSNN, từ nguồn lực của các đơn vị sự nghiệp công lập để quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng ngân sách và nguồn lực công. Ngoài các thiết bị y tế như chi phí vật tư tiêu hao, thuốc cho khám chữa bệnh rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên chăng cần nghiên cứu bổ sung quy định khung về việc mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc cho khám chữa bệnh, chi phí vật tư tiêu hao, có thể giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổng rà soát lại để quy định những nội dung cụ thể cho việc khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tại, thảm họa, dịch truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc cấp giấy chứng chỉ hàng nghề có thời hạn hay không có thời hạn; khám, chữa bệnh với người nước ngoài… Các vấn đề này cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) rất quan trọng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe của nhân dân, do vậy cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần đầu tư công sức kỹ lưỡng cho vấn đề này để đảm bảo chất lượng cao nhất. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thống nhất cao bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, quan trọng là công tác chuẩn bị kỹ, đủ điều điều kiện thì mới trình ra Quốc hội, chuẩn bị càng sớm càng tốt vì nhu cầu hiện đang cấp bách nhưng phải kỹ lưỡng, thận trọng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan (nguồn: Internet)
Giải trình thêm về các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội liên quan đến 10 nhóm vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng tới các nội dung của dự án Luật. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các vấn đề này đã được đưa ra và thảo luận, làm rõ trong Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật. Bộ trưởng nêu rõ, trong Tờ trình đã nêu, cơ quan soạn thảo sẽ bóc tách rất kỹ 2 vấn đề theo đúng nguyên tắc: đối với y tế dự phòng thì sẽ chi theo NSNN; đối với khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ chi theo Luật BHYT. Hiện Bộ Y tế đang được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), trong đó nêu rõ vấn đề này theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro và đóng hưởng.
Về cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, cơ quan soạn thảo cũng trao đổi, thảo luận nhiều và cho rằng, nếu đưa ra khung cứng thì sẽ không tạo được sức cạnh tranh, không phát triển được y tế tư nhân. Nhưng có ý kiến cho rằng, phải quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Vấn đề này còn nhiều vướng mắc, do vậy Bộ trưởng cho biết hiện đang thực hiện theo nguyên tắc chung cơ chế thị trường để đảm bảo chất lượng của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Liên quan đến vấn đề cấp giấy phép hành nghề hay vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến của các chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận và sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và tiếp tục làm rõ thêm các vấn đề trong quá trình xây dựng dự thảo Luật trong thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ tương đối kỹ lưỡng, đầy đủ, dày dặn, tham khảo nhiều thông tin, cập nhật nhiều thông tin mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra tại phiên họp tháng 5 và tháng 11 năm 2021.
Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo và hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần phải làm rõ một số vấn đề: Giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; làm rõ các nội dung về sử dụng NSNN trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng; các tiêu chí cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động phi lợi nhuận, y tế công lập, các đơn vị tự chủ, các hình thức cơ sở cổ phần; các vấn đề về giá và dịch vụ khám chữa bệnh đồng bộ với Luật Giá và các văn bản liên quan; các nguyên tắc và tiêu chí chung để xác định chi phí khám chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội; các nguyên tắc về mua sắm, sử dụng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, các quy định về khám chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt đối với các nhóm bệnh đặc biệt như nhóm A… để có tầm nhìn khái quát, có tính dài hạn.
Đồng thời. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, trong đó cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của chuyên gia làm sao đưa ra được các quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, các bộ và cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra khẩn trương phối hợp để hoàn chỉnh sớm hồ sơ, tài liệu để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua.
Tại phiên họp, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?