Xây dựng thể chế phải đảm bảo kịp thời, thường xuyên
20/01/2022 10:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022 diễn ra ngày 19/01/2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022, nguồn ảnh: VGP
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược. Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tập trung vào các vấn đề mới phát sinh chưa có quy định, cũng như những vấn đề đã có quy định, song vượt qua thực tiễn, những vướng mắc phát sinh cần bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng thể chế của bộ, ngành mình; việc xây dựng thể chế phải đảm bảo kịp thời, thường xuyên. Cùng với thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế, cần tổ chức thực hiện các quy định của thể chế hiệu quả.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng Luật. Đây là những dự án nằm trong 20 dự án, đề nghị xây dựng Luật cần được Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội trước ngày 1/3/2022 nhằm điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, nguồn ảnh: VGP
Các dự án, đề nghị xây dựng Luật được thảo luận tại phiên họp lần này gồm: Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông; Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu ý kiến tại phiên họp, nguồn ảnh: VGP
Các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan đã thảo luận, làm rõ thêm sự cần thiết phải có các dự án, đề nghị xây dựng Luật này; những điểm nghẽn, bất cập cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật... trên quan điểm ban hành luật không chỉ để quản lý mà tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển...
Cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các thành viên Chính phủ và các đại biểu đại diện các bộ, ngành tại phiên họp. Các ý kiến tập trung, tâm huyết với mong muốn các luật được xây dựng đảm bảo quy trình, tiến độ và chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành mình. Theo Thủ tướng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo” để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ nút thắt, bài toán cuộc sống đặt ra, giảm sách nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với giám sát, kiểm tra; phân bổ nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hợp lý, hiệu quả cho công tác xây dựng pháp luật.
Đại diện các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ tham dự cuộc họp, nguồn ảnh: TTXVN
Cùng với tháo gỡ vướng mắc về chính sách để huy động nguồn lực từ mọi nguồn hợp pháp cho đầu tư phát triển, luật pháp cũng đảm bảo tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tạo ra khung pháp lý, mở ra cơ hội để tập trung cho sự phát triển.
Thủ tướng chỉ rõ, những gì đã "chín", đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng thì tổ chức tổng kết, đánh giá, mạnh dạn thí điểm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Tình hình thực tiễn diễn ra rất nhanh, khó lường, khó dự báo, nên khi thiết kế chính sách phải có độ mở nhất định, để khi thực hiện có những phát sinh có thể xử lý được.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn và các đối tượng được điều chỉnh và tác động bởi chính sách để tranh thủ ý kiến, có luận cứ khoa học xây dựng pháp luật; đồng thời tham khảo bài học, quy định pháp luật của các nước trên thế giới để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các bộ, ngành, cơ quan phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan thẩm định để chuẩn bị các hồ sơ đảm bảo chất lượng, trình cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, trước, trong và sau khi các luật được xây dựng, ban hành và có hiệu lực cần tổ chức truyền thông tốt để cộng đồng xã hội hiểu, ủng hộ. “Kinh nghiệm cho thấy, muốn đưa ra một chính sách mới, nhất là đối với vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải tăng cường truyền thông để tranh thủ ý kiến và tìm sự đồng thuận”, Thủ tướng nhấn mạnh.
PV (Theo TTXVN)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?