Nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

10/11/2021 07:10 PM


Tại phiên chất vấn chiều 10/11/2021, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều câu hỏi các Đại biểu Quốc hội về việc hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 và tạo sinh kế, việc làm cho hàng triệu lao động nữ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Toàn quốc hiện có 2.532 trẻ mồ coi do dịch Covid-19

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, do tác động của dịch Covid-19, trên thế giới có khoảng 1,5 triệu trẻ em mồ côi, còn tại Việt Nam đã ghi nhận có 2.532 trẻ mồ côi do dịch Covid-19, trong đó 81 em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Thời gian vừa qua, Bộ đã chủ động ban hành các chính sách liên quan tới trẻ em mồ côi và đối tượng bảo trợ, trong đó có việc thay thế Nghị định 136 bằng Nghị định 20. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 quy định về đối tượng bảo trợ trẻ em và trẻ mồ côi được hưởng các chính sách như thế nào

Trước khi hoạch định chính sách, Bộ đã có tham khảo chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 của nhiều quốc gia khác trên thế giới và từ các tổ chức quốc tế. Sau khi tham khảo thông tin quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy chính sách dành cho trẻ em mồ côi của nước ta là khá đồng bộ. Trên thế giới mức hỗ trợ cho dành cho trẻ em dưới 4 tuổi có người chăm sóc vào khoảng từ 1,1 tới 1,8 triệu đồng/tháng. Tại Việt Nam, mức hỗ trợ đạt mốc 1,8 triệu đồng/tháng.

Ngoài các chính sách đã được áp dụng đối với các trẻ mồ côi do dịch Covid-19, các em còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị, xã hội, mạnh thường quân hỗ trợ mọi mặt. Trong đó, đáng kể là Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ mỗi em 5 triệu đồng/cháu, còn đối với trẻ mồ côi cả cha, lẫn mẹ được trợ cấp một số tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng.

Phương châm của Bộ là vận động để các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu, trường hợp không còn người thân thì lo tìm mẹ cho các cháu. Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án sau cùng là đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh minh hoạ)

Hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu vấn đề: Bài toán việc làm đang đặt ra cho hàng triệu lao động trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sau dịch. Đối với lao động nữ, bài toán này càng trở nên nan giải.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đặc biệt khi trẻ em vẫn chưa được trở lại trường, thì phụ nữ phải đối mặt một lúc rất nhiều áp lực: áp lực chăm sóc con cái, áp lực tài chính… làm mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp và nguy cơ bất bình đẳng giới càng gia tăng sau đại dịch. Đại biểu đề nghị: Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, chúng ta thấy rất rõ phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ. Do đó, trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, chúng ta có những chính sách dành riêng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Gần đây trong phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đến đầu năm 2022 xây dựng chính sách riêng dành cho phụ nữ. Vì vậy, trong chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong 7 nhóm giải pháp thì đã có một nhóm giải pháp dành riêng cho hỗ trợ lao động nữ, trong đó có hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp có thể lên tới gấp 3 lần so với bình thường.

Bên cạnh đó, về hỗ trợ trong chương trình bình đẳng giới, Bộ sẽ phối hợp với UNDP, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng một đề án trong chiến lược 10 năm tới về phát triển và bảo đảm quyền bình đẳng giới, nhất là tiếp cận các quyền cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia./.