Hoàn thiện chính sách tiền lương, BHXH để nâng cao mức sống cho người lao động
16/06/2021 09:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Chỉ thị nêu rõ, so với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm.
Vấn đề đời sống của công nhân lao động cũng được chỉ rõ ngày càng được cải thiện. Điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng.
Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu thực tế, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp.
Điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp và đời sống của công nhân lao động chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém.
Hỗ trợ khó khăn cho công nhân vượt qua đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Internet
Đáng lưu ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây, theo Thủ tướng, đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.
Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, các cơ quan có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”. Đồng thời đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.
Trong thực hiện, Thủ tướng yêu cầu, triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Cần khẩn trương xây dựng các mô hình “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân lao động các khu công nghiệp, kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao.
Hỗ trợ khó khăn cho công nhân vượt qua đại dịch Covid-19
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc, tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động.
Chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành, trình ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, kịp thời thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Lưu ý về hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu cần chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để chủ động thích ứng.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn, nhất là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19. Từ đó bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, tham mưu giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.
Chỉ thị nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực đảm bảo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của công nhân lao động theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và khả năng cân đối ngân sách hằng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
[Infographic] Những con số ấn tượng của ngành BHXH Việt Nam ...
Ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua cơ quan BHXH ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?