Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

31/08/2020 04:20 PM


Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 310/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Trong đó nhấn mạnh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Thông báo nêu rõ, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã xuất hiện nhiều cách làm mới, kinh nghiệm tốt; nhiều Lãnh đạo bộ, cơ quan, địa phương đã trực tiếp dẫn đầu các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các đơn vị cấp dưới và các dự án trọng điểm; đã đưa ra những biện pháp quyết liệt, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án.

Nhiều Tỉnh ủy, Thành ủy đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thường xuyên giao ban, kiểm tra đôn đốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công; quy định các chế tài mạnh như điều chuyển vốn cho dự án khác, thay đổi chủ đầu tư, thay nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, không giao vốn năm sau nếu chậm chễ giải ngân, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác giải ngân…

Về cơ bản các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đều có quyết tâm chính trị cao phấn đấu giải ngân đạt từ 90-100% vốn đầu tư công năm 2020, nhất là các địa phương có số vốn đầu tư công lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai…

Việc giải ngân chậm, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số bộ, ngành, địa phương thiếu  quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ hết số vốn kế hoạch năm 2020, trong khi các dự án khác có nhu cầu vốn, khả năng giải ngân nhanh nhưng không được bố trí vốn hoặc bố trí vốn thiếu, sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt, còn xảy ra sai phạm trong đầu tư, quy trình thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn phức tạp, một số nơi cán bộ còn thiếu trách nhiệm; việc xử lý các trường hợp làm chậm, vi phạm quy định còn chưa kịp thời…

Để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; thường xuyên giao ban, kiểm tra, bám sát nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương mình. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời hành vi thông thầu, cơ quan tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân đầu tư công... Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua khen thưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo rà soát, xác định rõ những tồn tại, yếu kém, từ đó, kịp thời xử lý những vướng mắc của từng khâu, nhất là về thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư... Đối với các dự án đã hoàn thành, cần đẩy nhanh công tác quyết toán, không để dồn lại cuối năm. Lập Tổ công tác của bộ, cơ quan, địa phương theo thẩm quyền để trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân các dự án, nhất là các dự án quan trọng. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ theo quy định.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo quyết tâm mới của các cấp, các ngành và sự đồng thuận xã hội, phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang, góp phần thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

PV