GDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng trưởng 1,81%

30/06/2020 08:58 AM


Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020, do Tổng cục Thống kê vừa tổ chức sáng nay (29/6). Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (quý II/2020 ước tính tăng 0,36%).

Theo đó, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước bị gián đoạn, ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và các DN, dẫn tới nhiều chỉ số giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Trong mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%)...

Cũng theo Tổng cục Thống kê, sau 2 tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế-xã hội đang dần được khôi phục. Số DN thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc với 13,7 nghìn DN, tăng 27,9% so với tháng trước. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy, các DN kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý III khả quan hơn quý II.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số DN, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 984,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 18 nghìn DN tăng vốn, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.681,5 nghìn tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33% GDP (quý II/2020 đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4%). Trong đó: Vốn khu vực nhà nước đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 375,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 4,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% và giảm 3,8%.

Tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm. Tổng chi NSNN ước khoảng 676,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 475,1 nghìn tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 140,3 nghìn tỷ đồng và chi trả nợ lãi 56,4 nghìn tỷ đồng...

Đáng chú ý, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành nên nhìn chung đời sống nhân dân cả nước vẫn giữ được ổn định, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo; trao tặng quà và hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng trị giá hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2,9 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 2,6 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, có hơn 18,5 triệu thẻ BHYT, sổ/thẻ KCB miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Ngoài ra, tính đến ngày 10/6, cả nước đã giải ngân được 10,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo là hơn 10,4 nghìn tỷ đồng; NLĐ 50,5 tỷ đồng và hộ kinh doanh 2,6 tỷ đồng./.

PV