Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu: Nền tảng để Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong bảo vệ sức khỏe nhân dân

06/12/2019 09:52 PM


Ngày 05/12/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam (Viet Nam Global Health Office).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Với khoảng 300.000 người mắc, bệnh sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với năm 2018 nhưng đã được khống chế với tỷ lệ tử vong chỉ còn 0,017%. Đạt được kết quả đó là nhờ vào sự nỗ lực của Bộ Y tế cùng sự phối hợp của các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trên thế giới…

Hiện nay, một số nước trên thế giới đã thành lập Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu như: Hoa Kỳ, Thái Lan, Đài Loan, Philipin. Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu tại Việt Nam sẽ là đầu mối để tăng cường trao đổi thông tin, hoạt động để kiểm soát bệnh dịch mới lây nhiễm, mới nổi, các bệnh lý không lây nhiễm (đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư,…), bệnh có liên quan đến vấn đề già hóa dân số.

Việc thành lập Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam sẽ là nền tảng để Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân và có ý nghĩa rất to lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế của Bộ Y tế Việt Nam.

Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam được đặt tại Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế có nhiệm vụ thúc đẩy, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu và khu vực; hỗ trợ các quốc gia phát triển y tế qua việc chủ động đóng góp, xây dựng chính sách, chương trình nghị sự quốc tế. Từ đó, chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hệ thống y tế cùng các vấn đề sức khỏe toàn cầu.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO cho biết Việt Nam đã có lịch sử lâu dài trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu. Việt Nam gia  nhập WHO vào năm 1950. Năm 1951, TS. Phan Huy Kháng là Phó Chủ tịch trong cuộc họp WHO Tây Thái Bình Dương. Năm 2020 đánh dấu 70 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Gần đây nhất, Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng chấp hành của WHO 2013-2016, tham dự vào việc điều hành các hoạt động, APEC 2015 nêu bật tầm quan trọng trong việc đóng góp cho lĩnh vực sức khỏe toàn cầu. TS. Kidong Park ghi nhận những thành tựu y tế Việt Nam trong hội nhập và nâng cao kỹ năng ngoại giao trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu.

TS. Kidong Park nhấn mạnh, Việt Nam với kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bao phủ y tế toàn dân,… việc khởi động VGHO xây dựng nền tảng cho các hoạt động hội nhập, như cái nôi sinh ra nhà vô địch về sức khỏe toàn cầu tại Việt Nam. WHO vui mừng vì Việt Nam đóng vai trò ngày một trọng yếu hơn. WHO cam kết sẽ đồng hành cùng Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam nói riêng và Ngành Y tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

TS. Kidong Park nhận định, đây là thời điểm vàng để Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu ở Việt Nam phát huy sức mạnh, và theo ông cần đưa ra tầm nhìn 2020-2025. Trong tương lai, Việt Nam sẽ là một trong những đối tác quan trọng hơn nữa trong cộng đồng về kinh tế, ngoại giao. Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong vòng 20-30 năm tới. Hiện nay, còn nhiều đối tác đóng góp cho hệ thống y tế nên tận dụng bởi ngân sách WHO sẽ giảm, tài trợ ODA cũng sẽ giảm và về mặt lâu dài, các đối tác quốc tế sẽ dần rút ra khỏi Việt Nam khi người dân có thu nhập cao. Đây là viễn cảnh không thể tránh khỏi, vừa là thách thức, vừa là cơ hội. WHO chuyển ưu tiên quốc gia sang các vấn đề mang tính toàn cầu hơn. Ở Việt Nam, thời điểm này Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu có thể phát huy tối đa sức mạnh và tạo đà cho những mục tiêu SDGs và nâng cao sức khỏe người dân trong tương lai.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cựu thành viên của Hội đồng chấp hành WHO cho biết Việt Nam đã tham gia vào lĩnh vực sức khỏe toàn cầu qua việc tham gia các kỳ họp của WHO, APEC, ASEAN. Trong 10 vấn đề sức khỏe toàn cầu đáng quan tâm nhất của WHO thì Việt Nam có thể đóng góp vào 8 lĩnh vực bao gồm sốt xuất huyết, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, biến đổi khí hậu,… Một trong những thế mạnh của Việt Nam là phòng chống bệnh dịch mới nổi, có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước.

Cũng tại cuộc họp, TS. Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cho biết: Văn phòng Sức khỏe toàn cầu, với 4 chức năng cốt lõi là điều phối, tham mưu, nghiên cứu và tăng cường năng lực, sẽ đóng vai trò tiên phong và dẫn đầu về các vấn đề sức khỏe tại Việt Nam.

Kế hoạch hoạt động trong thời gian tới của Văn phòng Sức khỏe toàn cầu (GHO) sẽ tập trung vào các nội dung như: Rà soát các nội dung về sức khỏe toàn cầu như an ninh y tế toàn cầu (bệnh dịch, môi trường và biến đổi khí hậu với y tế, y tế cho người di cư, nhập cư); các bệnh không lây nhiễm, UHC; ngoại giao y tế, y tế và phát triển kinh tế; Kiện toàn mạng lưới cộng tác và đối tác của GHO (các Bộ ngành liên quan, các đơn vị nghiên cứu, các đối tác phát triển, các cấp địa phương v.v...)… Trên cơ sở đó, xác định các nội dung trọng tâm và lên kế hoạch để làm việc và hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự tham gia và đóng góp của Việt Nam hiệu quả nhất; Tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ các định hướng, giải pháp trọng tâm cũng như các chính sách về Sức khỏe toàn cầu theo hướng dẫn chung của WHO và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam; Chỉ đạo việc huy động và điều phối các nguồn lực, nhất là các nguồn lực quốc tế trong việc triển khai hoạt động về sức khỏe toàn cầu; Tăng cường năng lực cho các cá nhân, các nhóm thành viên đang làm về các nội dung liên quan đến vấn đề sức khỏe toàn cầu của Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan, các tổ chức.

Tại cuộc họp các đại biểu được nghe chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sức khỏe toàn cầu của Thái Lan và kinh nghiệm quốc tế về sức khỏe toàn cầu của các chuyên gia Việt Nam; thảo luận về các hoạt động của Văn phòng sức khỏe toàn cẩu của Việt Nam trong năm 2020 và 2021./.     

Hà Linh