Việt Nam tiên phong trong thực hiện tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS

11/06/2019 02:33 PM


Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS nhằm cập nhật khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về phác đồ ARV trong điều trị cho người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV năm 2018 cũng như cập nhật tình hình cung ứng thuốc ARV toàn cầu và tại Việt Nam trong bối cảnh thực hiện khuyến cáo của WHO.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết: Trong những năm qua, với sự nỗ lực của Cục Phòng chống HIV/AIDS cùng sự hỗ trợ của các Tổ chức Quốc tế dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, những con số liên quan đến chương trình tiếp cận điều trị ARV rất thuyết phục. Tính đến tháng 12 năm 2018 đã có gần 140.000 bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước được chương trình PEPFAR, Quỹ Toàn cầu cung cấp thuốc ARV bao gồm cả bậc 1 và bậc 2. Các hỗ trợ liên quan đến chương trình điều trị đã giúp cho bệnh nhân được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất, tăng chất lượng điều trị, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân AIDS cũng như giúp cho người bệnh cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian sống. Bệnh nhân HIV/AIDS tại Việt Nam luôn được cập nhật thuốc điều trị kịp thời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tháng 12/2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật Hướng dẫn phác đồ thuốc ARV cho người nhiễm HIV và dự phòng sau phơi nhiễm với HIV. Với sự thay đổi này, Hướng dẫn quốc gia về điều trị HIV/AIDS cần được cập nhật ban hành theo hướng khuyến cáo để giúp bệnh nhân có thể tiếp cận điều trị với phác đồ điều trị cập nhật. Đồng thời việc chuẩn bị sẵn nguồn thuốc ARV để phục vụ cho lộ trình cung ứng thuốc là vấn đề cấp thiết trong thời gian tới.

Đánh giá cao những thành tựu ấn tượng trong công tác điều trị HIV/AIDS của Việt Nam, trong bài phát biểu của mình, ông Craig Hart, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là nước tiên phong trong khu vực thực hiện tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam cũng là nước đạt được hơn 95% tỷ lệ người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Đây là mục tiêu khó đạt được với nhiều nước.

Bà Nako IsiKawa, Điều phối viên HIV, STI và Viêm gan siêu vi, Văn phòng khu vực WHO của Tây Thái Bình Dương trao đổi tại hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được bà Nako IsiKawa, Điều phối viên HIV, STI và Viêm gan siêu vi, Văn phòng khu vực WHO của Tây Thái Bình Dương cập nhật về Hướng dẫn phác đồ thuốc ARV cho người nhiễm HIV và dự phòng sau phơi nhiễm với HIV với thay đổi chính gồm: Phác đồ chứa Dolutegravir (DTG) được khuyến cáo là phác đồ ưu tiên; Phác đồ có Efavirenzs 400mg (EFV) là phác đồ thay thế khi không sử dụng được DTG trong phác đồ điều trị thuốc ARV bậc 1; Phác đồ chứa DTG cũng được khuyến cáo là phác đồ ưu tiên cho những trường hợp thất bại phác đồ bậc 1 không có DTG trong Phác đồ điều trị thuốc ARV bậc 2. Các nguyên lý cơ bản cần thực hiện để tối ưu hóa phác đồ điều trị theo các tiếp cận của WHO gồm: Giảm độc tính; giảm số viên thuốc phải uống (sử dụng viên phối hợp); tăng độ bền của thuốc; dễ chuyển đổi giữa các phác đồ; hài hòa giữa các nhóm tuổi, các quần thể và Giảm giá thành. So với EFV, DTG có tác dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn, ít có tác dụng phụ hơn và dễ dùng hơn.

Tính đến tháng 7/2018, đã có 71 nước có thu nhập thấp và trung bình thông báo là họ đã đưa vào hoặc đang có kế hoạch đưa DTG vào hướng dẫn quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các đối tác cam kết thu thập và đánh giá lại toàn bộ dữ liệu khi có để cung cấp thông tin và cập nhật trong các hướng dẫn

TS. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cho biết, định hướng chính trong thời gian tới của công tác phòng, chống HIV/AIDS tập trung vào đẩy mạnh hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại, tập trung vào bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone và Burprenorphine, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); mở rộng và duy trì chất lượng điều trị ARV: điều trị ARV nhanh, trong ngày, quản lý ca bệnh, điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan, HIV/lao, 90% người điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế; chuyển giao bền vững điều trị HIV/AIDS, bao gồm thuốc ARV, sang sử dụng nguồn BHYT.

TS. Đỗ Thị Nhàn cũng cho biết, Việt Nam đảm bảo tuân thủ 6 nguyên tắc cần thực hiện trong tối ưu hóa phác đồ thuốc ARV do WHO khuyến cáo, bên cạnh đó, Việt Nam cũng cân nhắc việc không/giảm tương tác với các thuốc điều trị viêm gan C, Methadone và điều trị lao.

Trong thời gian một ngày, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của toàn thể đại biểu với nhiều nội dung: Điều trị ARV tại các nước phát triển và các nước do PEPFAR viện trợ; Tương tác thuốc trong điều trị đồng nhiễm HIV, viêm gan và lao; Tình hình thị trường cung ứng thuốc ARV trên thế giới - Thách thức với cung ứng thuốc ARV tại Việt Nam; Nhu cầu điều trị và khả năng cung ứng thuốc ARV tại Việt Nam trong xu hướng và bối cảnh toàn cầu…./.

PV (t/h)