Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

10/06/2019 09:32 PM


Chiều ngày 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến, 05 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tán thành với với sự cần thiết ban hành luật. Đồng thời nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng để kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khắc phục những bất cập trong pháp luật hiện hành, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như về đối tượng là công chức, chính sách đối với người có tài năng, hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, về hình thức kỷ luật giáng chức, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức; thực hiện chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng mới, hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức…

Một số đại biểu cũng trao đổi, đề nghị làm rõ tiêu chí, khái niệm về người có tài năng trong dự thảo Luật để khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ được áp dụng thống nhất, tránh tình trạng luật quy định chung chung mỗi nơi hiểu một kiểu xét tuyển công chức một cách tùy tiện, không bảo đảm chọn đúng người có tài năng vào các cơ quan nhà nước; đề nghị bổ sung đối tượng được xét tuyển công chức là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn vào khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật; chính sách phát triển thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình xây dựng luật , Báo cáo thẩm tra, cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu một số nội dung khác để có quy định phù hợp như vấn đề liên thông trong công tác cán bộ, vấn đề phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý hơn, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Các nội dung liên quan đến quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, khái niệm tiêu chí đánh giá về người có tài năng, làm rõ thời hiệu và các vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý đối với việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ hưu, cho thôi việc hoặc chuyển công tác; vấn đề kiểm định chất lượng đầu vào của tuyển chọn công chức…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, sâu sắc hơn các nghị quyết của Đảng, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại đang đặt ra hiện nay; cần có đánh giá tác động của những chính sách mới kỹ hơn, toàn hiện hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, ý kiến của đại biểu được ghi chép, ghi âm đầy đủ và sẽ được tổng hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật./.

PV