WHO: Phần lớn các nước vẫn ở trong giai đoạn đầu ứng phó với dịch bệnh

24/04/2020 09:13 AM


Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 22/4 ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, đồng thời, nhận định hiện phần lớn các nước vẫn ở trong giai đoạn đầu ứng phó với dịch bệnh..

Bác sĩ điều trị cho người bệnh Covid-19 tại bệnh viện ở bang Illinois, Mỹ. Ảnh Reuters

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý một số nước tin rằng đã có thể kiểm soát dịch nhưng thực tế, số ca mắc bệnh tăng trở lại, trong khi đó, dịch đang diễn biến mạnh lên một cách đáng lo ngại tại châu Phi và châu Mỹ. Dịch bệnh đang thuyên giảm ổn định tại các quốc gia Tây Âu nhưng lại gia tăng tại các nước châu Phi, Trung và Nam Mỹ cũng như Đông Âu.

Ngoài ra, ông Ghebreyesus tái khẳng định WHO đã tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào thời điểm phù hợp để các nước chuẩn bị và lên kế hoạch ứng phó. WHO đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với dịch bệnh, mức cảnh báo chính thức cao nhất, vào ngày 30/1 khi bên ngoài Trung Quốc mới có 82 ca mắc bệnh và chưa có ca tử vong. Khi đó, châu Âu mới ghi nhận 10 ca trong khi châu Phi chưa có ca nào và WHO vẫn tin tưởng với các biện pháp phù hợp, chuỗi lây nhiễm sẽ bị chặn đứng. “Đây không phải là quyết định mà mình ông có thể đưa ra mà phải dựa vào tham vấn các chuyên gia, đại diện từ tất cả các quốc gia trên thế giới” - Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh. WHO cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định đóng băng quỹ tài trợ cho tổ chức này, đồng thời hy vọng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho công việc cứu mạng sống của người dân trên thế giới.

Tính đến 17h30 ngày 23-4, thế giới đã ghi nhận 2.653.936 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, trong đó, có 185.061 ca tử vong và 727.861 người được chữa khỏi. 

Châu Âu

Ngày 23/4, các đảng liên minh của Đức đã đồng ý về các biện pháp cứu trợ tiếp theo trị giá khoảng 10 tỷ euro (10,81 tỷ USD) để bảo vệ người lao động và các doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19. Tuyên bố chung sau cuộc họp giữa các đảng liên minh cho hay, Đức đã thành công trong việc làm chậm lại sự lây lan của dịch Covid-19 thông qua những chính sách hạn chế quyết liệt. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Đức, bởi vậy, chính phủ chỉ có thể nới lỏng dần những hạn chế tiếp xúc xã hội để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Cùng ngày, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua quyết định gia hạn tình trạng báo động đến tháng 5. Đây là lần thứ 3 chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez đề nghị kéo dài tình trạng này. Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, quy định cấm tụ tập hơn 300 người đã được gia hạn đến tháng 7, song các hạn chế khác sẽ sớm được dỡ bỏ. Chính phủ hiện chưa quyết định về việc có cho phép trẻ em trở lại trường học trước tuần tới hay không.

Để tăng cường hiệu quả phòng chống dịch bệnh lây lan, ngày 22/4, Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định triển khai bán khẩu trang trên diện rộng. Cụ thể, trong hai tuần tới, quân đội sẽ cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị 1 triệu khẩu trang/ngày để bán cho người dân.

Châu Mỹ

Nhiều bang ở miền Nam và khu vực Trung Tây của Mỹ ngày 22-4 phát đi tín hiệu sẵn sàng khôi phục các hoạt động kinh tế với hy vọng dịch Covid-19 đã qua giai đoạn đỉnh điểm.

Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer cho biết, sẽ thông báo chi tiết về kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 24/4. Các quan chức của bang Ohio cho hay sẽ sớm công bố kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế, còn thống đốc của các bang ở khu vực Trung Tây thông báo đang cùng làm việc để phác thảo một kế hoạch về dỡ bỏ các hạn chế đã được thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, Georgia, Nam Carolina và một số bang khác ở khu vực miền Nam nước Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, cho dù các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng việc mở cửa trở lại quá nhanh có thể dẫn tới giai đoạn bùng phát mới của dịch Covid-19.

Châu Á

Tin từ Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết, trong ngày 22/4, nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2, trong đó, có 6 ca từ nước ngoài. Theo NHC, 4 ca nhiễm trong nước gồm 3 ca ở tỉnh Hắc Long Giang và 1 ca ở tỉnh Quảng Đông. Không có ca tử vong hoặc nghi nhiễm nào được ghi nhận trong ngày 22/4, trong khi có thêm 56 bệnh nhân bình phục được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân bình phục lên 77.207 người.

Bệnh viện Đại học Keio Nhật Bản cảnh báo vi rút SARS-CoV-2 đang lan rộng trong cộng đồng nước này, sau khi kết quả xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với bệnh nhân đến bệnh viện này khám chữa bệnh cho thấy có tới 6% dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Ngày 23/4, cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, kể từ thời điểm chính phủ nước này áp dụng biện pháp "tự cách ly bắt buộc" 14 ngày tại nhà với toàn bộ người nhập cảnh từ ngày 1/4 vừa qua, chưa xuất hiện ca nhiễm chéo nào từ người bệnh được ghi nhận.

Các ca lây nhiễm tại Singapore tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý về dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á khi ngày 23/4, tổng số bệnh nhân tại nước này đã lên tới 11.178 người và chủ yếu vẫn tới từ khu vực lao động nhập cư. Hiện tại, Singapore đã cách ly tổng cộng 21 khu nhà ở của các lao động người nước ngoài và những người này phải ở trong phòng 14 ngày.

PV (t/h)