COVID-19

Tăng cường các biện pháp bảo trợ xã hội

07/04/2020 03:56 AM


Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa đưa ra những khuyến nghị mới cho các DN về việc hỗ trợ đối với NLĐ đã có gia đình, giúp họ vượt qua đại dịch Covid-19.

Theo đó, ILO và UNICEF đã kêu gọi người SDLĐ cân nhắc để có thể hỗ trợ NLĐ ở mức cao nhất, nhất là cho người có thu nhập thấp. Việc hỗ trợ này là cần thiết, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với NLĐ, người SDLĐ, gia đình và con cái họ. Bởi, trong thời điểm này, việc tìm kiếm dịch vụ trông trẻ, công việc biến động, trách nhiệm chăm sóc gia đình cũng như việc bị giảm thu nhập là những thách thức mà các gia đình phải đối diện.

ILO và UNICEF cũng cho rằng, phụ nữ là đối tượng bị tác động tiêu cực nhiều hơn bởi đại dịch. Phụ nữ chiếm phần đông trong lực lượng nhân viên y tế và nhiều khả năng không được hưởng bảo trợ xã hội hơn. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phụ nữ đã phải đảm trách hơn 3/4 công việc chăm sóc không được trả lương trên toàn cầu và tỷ lệ này có khả năng tiếp tục tăng cao...

Do đó, cả ILO và UNICEF đều lên tiếng kêu gọi các chính phủ hỗ trợ người SDLĐ và tăng cường các biện pháp bảo trợ xã hội, đặc biệt đối với các gia đình dễ bị tổn thương. Việc hỗ trợ có thể là bảo đảm việc làm và thu nhập, sắp xếp công việc linh hoạt, nghỉ phép được hưởng lương để chăm sóc gia đình, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ trong trường hợp khẩn cấp... nhằm góp phần bình ổn thị trường lao động, gia đình và xã hội.

Ông Manuela Tomei- Vụ trưởng Vụ Điều kiện Làm việc và Bình đẳng của ILO cho rằng, đối thoại xã hội- cơ chế tham vấn và phối hợp giữa các chính phủ, NLĐ và người SDLĐ và các tổ chức đại diện của họ- là thiết yếu. Các biện pháp ứng phó muốn đạt hiệu quả và bền vững phải được xây dựng trên cơ sở niềm tin và những kinh nghiệm đa dạng.

Ảnh minh hoạ

Còn theo TS.Pia Rebello Britto- Giám đốc Chương trình Phát triển Trẻ thơ của UNICEF, trong những năm tới, các gia đình sẽ còn tiếp tục bị tác động bởi những hậu quả không mong muốn do đại dịch gây ra như: Mất việc làm, căng thẳng kéo dài và sức khỏe tinh thần giảm sút... Đối với những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, việc thiếu đi hệ thống bảo trợ xã hội đầy đủ càng khiến tác động của khủng hoảng đối với các em nặng nề hơn.

Chính vì vậy, theo TS.Pia Rebello Britto, các nước cần rà soát những chính sách tại nơi làm việc để đảm bảo cung cấp đầy đủ hỗ trợ cho NLĐ và gia đình họ. Đồng thời, áp dụng cơ chế làm việc thân thiện với gia đình, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có nhiều tự do hơn và chủ động hơn trong công việc của mình. Nếu việc sắp xếp làm việc linh hoạt không khả thi, có thể cân nhắc những hình thức hỗ trợ khác cho NLĐ có con, chẳng hạn như hỗ trợ dịch vụ trông trẻ...

Ngoài ra, ILO và UNICEF cũng cho rằng, việc hỗ trợ bằng các biện pháp bảo trợ xã hội của chính phủ sẽ phù hợp với Công ước số 102 về An sinh Xã hội của ILO và Khuyến nghị số 202 của ILO về Sàn an sinh xã hội. Các biện pháp này, có thể bao gồm trợ cấp cho NLĐ để được tiếp cận BHYT, BH thất nghiệp và mất khả năng làm việc, trợ cấp thai sản và nên mở rộng diện bao phủ của các chính sách này tới NLĐ trong khu vực kinh tế phi chính thức.

PV