Chính sách miễn viện phí toàn dân: Tăng độ bao phủ BHYT, đảm bảo bền vững tài chính (Bài cuối)

28/07/2025 10:11 AM


Những năm qua, dù quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được quan tâm, bổ sung mở rộng, song gánh nặng về chi phí y tế vẫn còn là mối lo lớn đối với những người mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo. Do đó, việc xây dựng lộ trình triển khai chính sách miễn viện phí toàn dân được xây dựng trên nền tảng tăng độ bao phủ BHYT toàn dân sẽ là cơ chế hiệu quả trong việc bảo đảm công bằng, chia sẻ rủi ro và bền vững tài chính với người bệnh.

Từng bước giảm chi phí cho người dân

Theo chia sẻ của bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), chính sách miễn viện phí toàn dân là một chủ trương rất nhân văn, thể hiện tinh thần chia sẻ, cộng đồng của chính sách BHYT. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ y tế đều miễn phí hoàn toàn. Nhà nước và quỹ BHYT sẽ chi trả các chi phí y tế cơ bản, thiết yếu nhằm giảm tối đa gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt ưu tiên nhóm yếu thế (như: trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội). Còn những dịch vụ vượt mức cơ bản hoặc theo yêu cầu cao cấp thì người bệnh vẫn phải chi trả một phần.

Tuy nhiên, để thực hiện được chính sách này cần nguồn lực rất lớn và phải tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, công bằng và bền vững. Đơn cử, nếu mở rộng khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm cho người dân, ngân sách cần thêm khoảng 25.000 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các chương trình sàng lọc và phát hiện bệnh do Trạm Y tế thực hiện cũng cần bổ sung kinh phí đáng kể. Do đó, việc mở rộng dịch vụ y tế miễn phí phải được thực hiện theo lộ trình, dựa trên khả năng cân đối của quỹ BHYT và ngân sách nhà nước, ưu tiên hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế trước.

Cụ thể, giai đoạn từ 2026-2030, ngành Y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật; tăng tỷ lệ bao phủ BHYT lên 100%, bảo đảm 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm; đồng thời phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý trọn đời.

Khẳng định miễn phí hoàn toàn viện phí là mong muốn của tất cả mọi người, song PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, không một nước giàu có nào không có hệ thống kiểm tra chi phí y tế, giám sát sự chi tiêu trong lĩnh vực tốn kém nhất này. Nguyên nhân là trong y học ngoài khó khăn trong đầu tư nguồn lực, con người thì cái đáng sợ nhất hiện nay là việc lạm dụng chỉ định y khoa.

Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, miễn viện phí toàn dân, về cơ bản là hạn chế tối đa việc người dân phải bỏ tiền túi trong KCB và tiền sẽ thực hiện chi trả viện phí cho người dân từ 4 nguồn. Thứ nhất, từ nguồn quỹ BHYT với lộ trình nâng “trần”, đa dạng hóa các loại hình BHYT bắt buộc và tăng mức các kỹ thuật được chi trả, miễn phí cung cấp BHYT cơ bản toàn dân. Thứ hai, từ nguồn bảo hiểm thương mại tư nhân hoặc BHYT bổ sung cho người có điều kiện (tăng quyền lựa chọn bảo hiểm của người dân tương ứng với mức độ chi trả về các tiện ích về dịch vụ); hình thức bảo hiểm này sẽ bao phủ cả chuyên môn và dịch vụ cũng như những kỹ thuật rất đắt tiền chưa có trong danh mục phê duyệt của BHYT thông thường. Thứ ba, ngân sách nhà nước (chi trả nốt % viện phí người dân đang đồng chi trả, ngân sách cấp hoàn toàn cho các đối tượng cấp cứu chưa có thẻ BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi,…). Thứ tư, từ các mạnh thường quân, các quỹ phi lợi nhuận. Đây là nguồn lực rất lớn cần khuyến khích để hỗ trợ chi phí KCB cho những ca bệnh khó; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không mua BHYT…

Để mở rộng diện bao phủ BHYT cũng như giảm gánh nặng cho người dân, Bộ Y tế đã đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Đồng thời, tỷ lệ thanh toán BHYT cũng sẽ được nâng lên, mở rộng phạm vi quyền lợi để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh. “Chính sách miễn viện phí toàn dân dự kiến sẽ được triển khai từ nay đến năm 2035 theo lộ trình cụ thể. Năm 2026 sẽ bắt đầu khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho toàn dân. Tiếp đó sẽ giảm dần tỷ lệ đồng chi trả, tăng phạm vi quyền lợi hưởng BHYT, mở rộng gói dịch vụ y tế cơ bản và các chương trình sàng lọc sớm. Mục tiêu cuối cùng là mọi người dân, không phân biệt vùng miền hay mức thu nhập, đều được tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu mà không phải lo gánh nặng tài chính trong KCB. Chúng ta không hướng tới miễn phí tuyệt đối mà là giảm tối đa chi phí tiền túi, tăng bao phủ BHYT, nâng cao chất lượng và sự công bằng của hệ thống y tế”, bà Trang khẳng định.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Dành ngân sách thúc đẩy BHYT toàn dân

Theo số liệu của BHXH Việt Nam: hiện tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 94,29% dân số và đến cuối năm 2025 phấn đấu trên 95% dân số có thẻ BHYT; cả nước có gần 13.000 cơ sở KCB BHYT (gồm 2.897 cơ sở KCB và gần 10.000 Trạm Y tế xã tham gia KCB BHYT); số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng liên tục qua các năm. Trong 15 năm qua, đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Năm 2024, số lượt khám chữa bệnh BHYT đạt 183,6 triệu, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Do đó, để tiệm cận được chính sách miễn viện phí toàn dân, việc mở rộng diện bao phủ BHYT toàn dân là cần thiết .

Nhìn nhận chính sách miễn viện phí toàn dân được triển khai sẽ tạo nên một chế độ an sinh đặc biệt, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (cũ) khẳng định, cuối năm 2024, tỷ lệ người tham gia BHYT đã chiếm trên 94%. Chính sách BHYT hiện nay đã có sự phân cấp với các mức hỗ trợ khác nhau, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi và hộ nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí. Bên cạnh đó, quỹ BHYT còn chi trả chi phí KCB với mức hưởng theo thẻ BHYT từ 80% đến 95% (mức cao nhất cho người có thẻ). Đây là nền tảng quan trọng để từng bước hướng tới việc thực hiện chính sách miễn viện phí toàn dân, giảm gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế từ người dân.

Song, để tiến tới thực hiện miễn viện phí toàn dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết. Bởi triển khai chính sách không chỉ đơn thuần là củng cố hay chuẩn bị ngân sách, mà còn cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Đầu tiên, chúng ta phải củng cố hệ thống y tế cơ sở, tránh dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Bởi khi các bệnh viện quá tải, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân sẽ bị trì trệ và sụt giảm. “Thực hiện miễn viện phí cho toàn dân, chắc chắn ngân sách nhà nước sẽ gánh một khoản chi phí không nhỏ. Do đó, các giải pháp từ vĩ mô đến vi mô để phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Khi kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng, sẽ tạo nguồn lực đủ mạnh, giúp duy trì bền vững chính sách miễn viện phí”, bà Nga nhận định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho rằng, theo quy định của Luật BHYT thì quyền lợi người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc dùng chữa trị bệnh ung thư được đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả. Đặc biệt, có 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT từ 30% đến 100%. Do đó, để chính sách miễn viện phí toàn dân sớm đi vào thực tế, việc hỗ trợ kinh phí thực hiện miễn viện phí cho toàn dân cần phải được phối hợp đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với quỹ BHYT. “Nói cách khác, miễn viện phí có thể thực hiện thông qua chính sách BHYT toàn dân. Muốn vậy, nguồn ngân sách phải được dành ra để nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT. Người dân, nhất là người khó khăn, người dân tộc thiểu số là những đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ. Nếu mỗi người dân đều có thẻ BHYT, họ sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản mà không phải lo lắng về chi phí”, ông Trí phân tích./.

Tú Linh