Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ chạy quy hoạch, chạy phiếu
05/11/2018 09:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 4/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026. Tham dự cuộc họp có các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia Ban Chỉ đạo và các thành viên Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo.
Toàn cảnh phiên hợp. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã công bố các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo.
Theo Quyết định số 147-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính, Ban chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 6 đồng chí, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban và các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo Quyết định số 148-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Bí thư, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo gồm 12 đồng chí, do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Tổ trưởng.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã thảo luận, thông qua quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo; xem xét lần cuối dự thảo và đi đến thống nhất cao với dự thảo.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại cuộc họp thống nhất rất cao với dự thảo Kế hoạch xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cả về nội dung, lộ trình, các bước thực hiện, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện và ban hành Kế hoạch, làm cơ sở để tiến hành xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chặt chẽ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy định, bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, cần xác định rõ và đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch; nhấn mạnh nhân sự quy hoạch phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, tiến hành đúng quy trình, quy định…
Theo Kế hoạch, tháng 11.2018, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác quy hoạch cán bộ nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo từ sớm và đã được đề cập ở nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Năm 2004, Bộ Chính trị khoá IX đã ra Nghị quyết số 42 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhưng việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mới được triển khai lần đầu ở khoá XI. Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khoá trước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục xác định đây là nội dung rất quan trọng, dự kiến sẽ bàn ở các Hội nghị Trung ương tới. Việc xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu kết luận phiên họp. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, đây là bước bàn Kế hoạch để tiến hành việc xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thống nhất về phương pháp, cách đặt vấn đề, bước đi cụ thể, chưa phải là công tác nhân sự mà là bước quan trọng tiếp theo để làm công tác nhân sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phải làm từng bước chặt chẽ, khoa học. Khi làm quy hoạch phải chú ý tính toàn diện, trước hết là tiêu chuẩn. Cán bộ được đưa vào quy hoạch phải có trình độ về mọi mặt, có trình độ lý luận cơ bản, nắm vững chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu công tác xây dựng Đảng, có trình độ chuyên môn; lưu ý các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cần có cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, tiêu chuẩn vẫn là yêu cầu hàng đầu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý tuyệt đối không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị, quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực, người thân, người quen không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp chạy quy hoạch, chạy phiếu.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, xây dựng quy hoạch cán bộ phải làm từng bước, từng nấc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu, chi tiết; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến các chức danh chủ chốt. Đồng thời cần tính toán kỹ lưỡng thời điểm làm quy hoạch, nhất là với các chức danh chủ chốt.
Đối với Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là đội ngũ có trách nhiệm rất quan trọng vì đây là bước chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Từng đồng chí phải thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, gương mẫu, tinh thông, tuyệt đối không tư lợi; các thành viên Tổ giúp việc phải là người giúp việc đắc lực, tin cậy của BCĐ.
Từ tình hình thực tế, nhất là qua phân tích một số vụ việc cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật trong thời gian vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác cán bộ để tránh tình trạng ấy tái diễn. Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, hết sức vì công việc, thực hiện nghiêm các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc; tuyệt đối không được lợi dụng công việc để vướng vào tiêu cực, nếu để xảy ra việc gì thì Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc phải chịu trách nhiệm trước. Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc phải là những người gương mẫu nêu đúng Quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương vừa mới ban hành./.
PV (t/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?