Lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 đến 31/12/2021: Sẽ được “bù đắp”
22/06/2018 02:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 bảo đảm tốt nguyên tắc đóng- hưởng cũng như khả năng bền vững của quỹ BHXH. Tuy nhiên, quy định này đã gây thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018. Do đó, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện “bù đắp” một phần lương hưu cho những người nghỉ hưu từ 1/1/2018 đến năm 2021.
Hướng tới bình đẳng trong đóng - hưởng
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 và Khoản 2 Điều 74 của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, số năm đóng BHXH để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nam là 31 năm vào năm 2018, 32 năm vào năm 2019, 33 năm vào năm 2020, 34 năm vào năm 2021, 35 năm từ năm 2022 trở đi. Đối với lao động nữ là 30 năm từ năm 2018 trở đi. Việc điều chỉnh công thức tính lương hưu có một số ưu điểm là bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng- hưởng; bảo đảm tốt hơn khả năng bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất; tỉ lệ hưởng lương hưu tính thêm cho mỗi năm đóng BHXH sau năm thứ 20 của nam và sau năm thứ 15 của nữ là giống nhau (2%) là công bằng hơn so với Luật BHXH năm 2006 (nam là 2%, nữ là 3%).
Tuy nhiên, quy định của Luật BHXH năm 2014 đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm 1/1/2018.
Cụ thể: Công thức tính lương hưu của nam thay đổi dần trong vòng 5 năm, còn của nữ thay đổi ngay trong năm 2018, dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (giảm từ 1-10%); đồng thời tạo ra tâm lý so sánh giữa lao động nữ và lao động nam.
Theo dự báo, năm 2018 sẽ có khoảng 60.000 lao động nam nghỉ hưu, trong đó có khoảng 20.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 31 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Cũng trong năm 2018 có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH từ 15-30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất khoảng 4.000 trường hợp có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5-10%.
Lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn 2019-2021 được tính lương hưu tương tự như lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018, tức là cũng thấp hơn từ 1-10% so với lao động nữ có cùng thời gian đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017. Trong khi đó, do không có lộ trình như lao động nam nên lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2019 có thể thiệt so với nam giới từ 1-6%; mức độ chênh lệch (tỉ lệ thiệt) giữa nam và nữ trong các năm tiếp theo lần lượt là 1-4% vào năm 2020; 1-2% vào năm 2021. Theo đó, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2019-2021 (bị thiệt so với lao động nam) lần lượt là 18.690 người vào năm 2019; 13.851 người vào năm 2020 và 5.179 người vào năm 2021. Và, phải đến năm 2022, mới có sự tương đồng trong cách tính lương hưu của nam và nữ.
Điều chỉnh “bù” lương hưu cho lao động nữ
Theo Điều 57, Luật BHXH năm 2014, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với NSNN và quỹ BHXH. Như vậy, pháp luật hiện hành giao Chính phủ quy định việc điều chỉnh dựa trên mức tăng của “chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế”, không phân biệt đối tượng và mức điều chỉnh. Do đó, đây cũng là cơ sở cho việc Chính phủ điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ thời điểm ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021.
Giả sử lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có 25 năm đóng BHXH thì “tỉ lệ hưởng lương hưu của năm 2018 theo Luật BHXH là 65%; tỉ lệ hưởng lương hưu của người có cùng 25 năm đóng BHXH nhưng nghỉ hưu ở năm 2017 là 75%. Mức giảm 10% trong một năm (năm 2018 so 2017). Nếu kéo giãn lộ trình giảm tỉ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm (từ năm 2018 đến năm 2022), thì mỗi năm, lao động nữ chỉ bị giảm 2% (bằng 1/5 của 10%) so với năm trước. Như vậy, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và năm 2022 giảm 10%.
Vì vậy, trên cơ sở Quốc hội giao, Chính phủ sẽ điều chỉnh “bù” số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính theo Luật BHXH (10%), so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới, tức là sẽ bù vào tỉ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; năm 2019 là 6%; năm 2020 là 4%; năm 2021 là 2% và từ năm 2022 sẽ không được bù vì kết thúc lộ trình như nam giới. Tuy nhiên, cách tính trên mới chỉ là bù vào tỉ lệ hưởng lương hưu. Nếu điều chỉnh vào lương hưu thì phải tính bù ở một mức cao hơn tương ứng bằng 12,31%- nếu bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018. Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn tiếp theo, mức điều chỉnh tương ứng là: Năm 2019 là 9,23%; năm 2020 là 6,15% và năm 2021 là 3,08%. Cách tính này cũng tính được mức điều chỉnh cho những trường hợp có thời gian đóng BHXH khác nhau trong khoảng từ 20 đến 29 năm 6 tháng.
Theo tờ trình của Chính phủ, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 có từ 19 năm 6 tháng đến 20 năm đóng BHXH khoảng gần 91.600 người (năm 2018 là 20.500 người; năm 2019 là 22.100 người; năm 2020 là 23.700 người…). Như vậy, sẽ phát sinh nhu cầu kinh phí khoảng 80 tỉ đồng (năm 2018 là 27,8 tỉ đồng; năm 2019 là 23,7 tỉ đồng; năm 2020 là 18,1 tỉ đồng; năm 2021 là 10,3 tỉ đồng).
Liên quan đến vấn đề này, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021 và nguồn kinh phí thực hiện sẽ do quỹ BHXH bảo đảm. “Đây là chính sách có tính chất đặc biệt, chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định với nhóm đối tượng xác định, nhằm bảo đảm quyền lợi của nhóm lao động nữ bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi cách tính lương hưu; đồng thời, thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, trong đó thống nhất phát hành 22.090 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với BHXH Việt Nam đối với khoản đóng BHXH cho NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995. Trong đó: Năm 2018 là 6.000 tỉ đồng; năm 2019 là 7.000 tỉ đồng và năm 2020 là 9.090 tỉ đồng. Mức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ hằng năm phải nằm trong tổng mức vay của NSNN đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN hằng năm, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Tiền lãi đối với khoản nhận nợ 22.090 tỉ đồng trong thời gian chưa phát hành trái phiếu Chính phủ được tính từ ngày 1/1/2016 và theo lãi suất trái phiếu Chính phủ có cùng kỳ hạn phát hành trong tháng 12/2015. Tiền lãi này được thanh toán hằng năm hoặc cộng dồn đến cuối kỳ và phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung nhận nợ với BHXH Việt Nam. Chính phủ xác định phương án trả lãi, báo cáo Quốc hội quyết định khi trình dự toán NSNN hằng năm, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng và bảo toàn, phát triển quỹ BHXH theo quy định của pháp luật
Theo Báo BHXH
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?