Nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn của báo chí
22/06/2018 09:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 12, năm 2017 tổ chức tối 21/6, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao 8 giải A cho tác giả và nhóm tác giả đạt giải.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà báo lão thành và đông đảo các nhà báo trong cả nước tham dự Lễ trao giải.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia Thuận Hữu nhấn mạnh: Năm 2017, báo chí đã bám sát và phản ánh trung thực đời sống chính trị và các sự kiện của đất nước. Các cơ quan báo chí đã đồng hành tuyên truyền kịp thời, thiết thực sự chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ, việc xây dựng và thực thi Chính phủ Liêm chính - Kiến tạo - Hành động.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, các nhà báo không chỉ đi đầu phát hiện những vấn đề mới, vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội, mà còn nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo. Cùng với việc phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, báo chí còn đấu tranh chống những hành vi tiêu cực, tham nhũng, góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, các tác phẩm dự giải năm nay có chất lượng khá đồng đều, phản ánh khách quan, toàn diện tình hình đất nước, những nỗ lực của hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Ngày càng có nhiều cấp Hội có tác phẩm dự giải chất lượng tốt, có sức ảnh hướng xã hội, hình thức thể hiện chuyên nghiệp, bài bản. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự thi, khẳng định uy tín và sức hút cao của giải.
Với quy trình thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp, trách nhiệm và công tâm, Hội đồng chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí. Cụ thể, có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải Khuyến khích.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực phấn đấu của đội ngũ người làm báo cả nước và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể những người làm báo Việt Nam nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững”, Đảng xác định cần đặc biệt quan tâm chú trọng công tác tư tưởng, tuyên truyền, báo chí, thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội; kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, phản bác những luận điệu sai trái. Báo chí cần phải trở thành kênh giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là trong cán bộ, đảng viên.
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đứng trước nhiều cơ hội phát triển thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức mới. Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra cho báo chí sẽ ngày càng nặng nề hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị đội ngũ những người làm báo cần chú trọng một số việc sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng và toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, báo chí cần tiếp tục nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Cổ vũ, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, mở rộng giao lưu và hợp tác với các nước. Tiếp tục phát huy vai trò và chức năng giám sát, phản biện xã hội tích cực của báo chí. Cần quán triệt các giải pháp cơ bản đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), trong đó có giải pháp phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia trực tiếp vào quản lý phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thứ ba, báo chí cần là một trong những lực lượng nòng cốt kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác chống âm mưu ''diễn biến hoà bình'', phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước, những âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Báo chí đã góp phần tích cực trong việc phát hiện, phê phán, lên án và đấu tranh mạnh mẽ với các vụ việc tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, hoạt động tội phạm có tổ chức, các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Các nhà báo cần tiếp tục đi đầu trong công tác này; đồng thời cảnh giác, phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ tư, cần nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn của báo chí, phấn đấu hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ làm báo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Hoạt động thông tin đối ngoại cần tăng cường và nâng cao chất lượng hơn nữa; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt, báo chí cần làm tốt chức năng định hướng thông tin và dư luận xã hội trong việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình ổn định để phát triển. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên, như Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Thứ năm, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí. Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Chính phủ đề nghị các cấp các ngành làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại; chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí; bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng những đóng góp tích cực, cần xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị các cấp uỷ Đảng, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước, quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí và Hội Nhà báo hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, các cơ quan, các cấp chính quyền cần thực hiện tốt quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.
PV (t/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?