Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: BHXH các tỉnh thành phố cần chủ động, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
16/08/2022 02:42 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác KCB BHYT. Tham dự hội nghị có đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo BHXH 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An.
Nhiều khó khăn, vướng mắc chung
Báo cáo về tình hình công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, toàn Thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,4% dân số với 7.518.169 người tham gia, tăng 0,5% tương ứng tăng 36.037 người so với cuối năm 2021, đạt 98% Kế hoạch giao. Số người tham BHXH bắt buộc đạt 1.901.860 người, tăng 2,1% tương ứng tăng 38.787 người so với cuối năm 2021, chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 97,5% Kế hoạch giao. Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 64.301 người, tăng 2% tương ứng tăng 997 người so với cuối năm 2021, đạt 87,9% kế hoạch giao; chiếm 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Về công tác thu BHXH, BHYT, BHTN, toàn thành phố thu hơn 28,7 nghìn tỷ đồng, đạt 53,86% kế hoạch. Thực hiện chi trả các chế độ BHXH kịp thời, đúng quy định; phục vụ hơn 5,4 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.
Về cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, đến nay, trên 99,9% các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, còn lại thực hiện giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích; tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực BHXH, BHYT; kịp thời giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; triển khai thực hiện các nhiệm vụ được BHXH Việt Nam, UBND Thành phố giao trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. 7 tháng đầu năm 2022, BHXH Thành phố thực hiện tiếp nhận và giải quyết hơn 15,7 triệu hồ sơ, tăng 3.550.554 hồ sơ tương đương tăng 29,06% so với năm 2021.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Theo ông Hòa, tình hình phát triển người tham gia đạt kết quả tích cực nhưng còn tăng chậm, việc thực hiện các chỉ tiêu HĐND Thành phố, UBND Thành phố giao còn không ít khó khăn. Cụ thể, để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,5% dân số, 5 tháng cuối năm 2022 cần tăng ít nhất 153.238 người, tương đương mỗi tháng phải tăng ít nhất 30.648 người tham gia. Về BHXH bắt buộc cần phát triển thêm ít nhất 49.632 người, tương đương mỗi tháng phải tăng ít nhất 9.926 người tham gia. Về BHTN cần phải phát triển thêm ít nhất 9.436 người. BHXH tự nguyện cần phát triển 44.614 người, bình quân còn phải phát triển 15 người/xã, phường, thị trấn/tháng.
Về tình hình nợ đóng BHXH, một số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là các doanh nghiệp du lịch, thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn có những doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng BHXH và không chấp hành các Quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra.
Công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT, các cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí chi KCB BHYT được giao. Nhiều bệnh viện chuyển dữ liệu KCB BHYT lên hệ thống giám định BHYT còn chậm. Nhiều điểm KCB BHYT chưa triển khai thực hiện tiếp nhận căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT...
Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Hội nghị.
Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám cho biết, tính đến hết tháng 7-2022, toàn tỉnh có 3.236.485 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó có 401.932 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 78.925 người tham gia BHXH tự nguyện. Đến hết tháng 7, BHXH tỉnh đã tiếp nhận và thụ lý giải quyết cho 285.522 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 109,1% so với cùng kỳ năm trước; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT 2.426.497 lượt người; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tỷ lệ giao dịch bình quân toàn tỉnh đạt 90,9%.
Tuy nhiên, ông Tám cũng chia sẻ về một số những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Trong đó có thay đổi chuẩn nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng cao nên khó khăn hơn trong tuyên truyền, vận động người tham gia; vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự các đơn vị vi phạm về BHXH, BHYT; vướng mắc trong thầu vật tư y tế; tình trạng rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhưng chưa bền vững.
Tại Nghệ An, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An Hoàng Văn Minh cho biết, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh có 2.983.689 người tham gia BHXH, BHYT, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 260.790 ifm đạt 94,17% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao là 16.149 người. Về BHXH tự nguyện có 108.052 người, đạt 80,10% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm là 26.848 người. Về BHYT có 2.875.637, đạt 94,43% kế hoạch, số còn phải phát triển là 106.613 người.
Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám phát biểu tại Hội nghị.
Trước những áp lực về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh Nghệ An đã có sự chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, phối hợp tốt với các ban ngành liên quan trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết, với đặc thù của một địa bàn phát triển công nghiệp mạnh, quá trình tham gia BHXH, BHYT của người lao động tại Bắc Giang vẫn tiềm ẩn yếu tố không ổn định, vẫn diễn ra xu hướng nhận BHXH một lần thay vì tiếp tục tham gia BHXH để nhận lương hưu sau này. Bên cạnh đó, vẫn chưa có biện pháp thực sự hiệu quả xử lý nợ đọng BHXH, BHYT và nhất là việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự trên địa bàn và quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu thực hiện năm cũng như chỉ tiêu được quán triệt tại Nghị quyết 28-NQ/TW.
Khắc phục hạn chế trên, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhóm giải giáp trọng tâm. Cụ thể, giao dự toán thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT ngay từ đầu năm để các đơn vị liên quan chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về chi phí KCB BHYT của các năm trước đang được BHXH tỉnh và Sở Y tế nỗ lực phối hợp giải quyết.
Thời gian qua, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, BHXH các tỉnh, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong công tác KCB BHYT, đại diện BHXH các địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc thời gian qua đã được giải quyết khá tốt, trong đó có những tồn tại liên quan chi phí KCB BHYT của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…
Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Sau khi nghe ý kiến đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các vụ, ban nghiệp vụ đã đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025…
Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ Dương Văn Hào đưa ra một số giải pháp về phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2022, BHXH nhiều địa phương phát triển người tham gia BHXH, BHYT khá tốt. Tuy nhiên, đến tháng 7 và tháng 8, việc phát triển người tham gia có dấu hiệu chững lại, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ. "Điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ chung của cả nước, nên cần phải có đánh giá, phân tích cụ thể để tìm ra giải pháp khắc phục ngay tình trạng này".
Ông Hào đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Cụ thể hơn, với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, cần thường cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đơn vị, số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc để xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển. Đồng thời, mở hội nghị tư vấn, đối thoại với đơn vị chưa đóng, chưa đóng đầy đủ BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động. Quán triệt, thông tin đến đơn vị sau 10 ngày kể từ ngày tham dự hội nghị nhưng cố tình không tham gia sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm.
Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế, hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu nhằm phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc. Tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, xác định rõ số lượng doanh nghiệp và tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia BHXH; số doanh nghiệp đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, đã giải thể, chờ phá sản, đã phá sản. Xác định rõ số lượng lao động thuộc đối tượng phải tham gia, không thuộc đối tượng tham gia.
Đối với lĩnh vực BHYT, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT ( BHXH Việt Nam), BHXH các tỉnh, thành phố cần khẩn trương cân đối dự toán năm 2022; sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở nguồn dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, cần giám sát việc đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người dân, tránh tình trạng yêu cầu người bệnh có thẻ BHYT phải mua ngoài, mua thêm những loại thuốc, vật tư y tế trong danh mục được quỹ BHYT thanh toán. Đồng thời, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác KCB, không để người bệnh tự chi trả chi phí KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng.
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc dưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thanh, quyết toán và phát triển người tham gia BHYT.
Ông Nguyễn Tất Thao – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần rà soát, kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT tại tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến Trung ương. Toàn bộ dữ liệu đề nghị thanh toán KCB BHYT của cơ sở KCB gửi lên hệ thống cần được mã hóa, quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, bí mật thông tin theo quy định. Dữ liệu đề nghị thanh toán được tự động giám định bằng bộ quy tắc dựa trên các quy định, quy trình kỹ thuật chuyên môn của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế.
Về công tác truyền thông, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN , đẩy mạnh truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN đặc biệt là công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV. Đồng thời biểu dương những đơn vị sử dụng lao động tiêu biểu, nêu tên những đơn vị nợ đọng, quản lý lao động chưa tốt. Cùng với đó, truyền thông kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Về công tác thanh tra, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra Lò Quân Hiệp yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của BHXH Việt Nam; tăng cường hoàn thiện các phương pháp thực hiện thanh tra, kiểm tra; tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan thuế; xây dựng phần mềm hỗ trợ hoạt động thanh tra kiểm tra, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn chung của tập thể BHXH các tỉnh, thành phố trong thời gian qua. Tổng Giám đốc cho biết đây là nền tảng để BHXH các tỉnh, thành phố hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trong 5 tháng cuối năm.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần nhìn nhận thực tế khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp kịp thời; xem xét vì sao các chỉ tiêu trong 07 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tại một số tỉnh có độ chững nhất định trong khi tăng trưởng kinh tế tốt, thu ngân sách và DN thành lập mới nhiều.
Đồng thời, cần có những giải pháp cụ thể thu hút lực lượng lao động tham gia mới, để đến cuối năm 2022 phải đạt được chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Riêng BHXH tự nguyện còn nhiều dư địa, nhưng kết quả đạt chưa cao thì cũng cần theo dõi, thống kê để đánh giá cụ thể và có phương án phù hợp, Tổng Giám đốc lưu ý.
Toàn cảnh Hội nghị Đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác khám, chữa bệnh BHYT.
Tổng Giám đốc yêu cầu các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc; hoàn thiện các quy trình như quy trình giám định, quy trình hạch toán quỹ; đánh giá toàn diện về việc sử dụng vật tư y tế;... Đồng thời, phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương đẩy mạnh rà soát chi phí KCB BHYT đảm bảo quyết liệt, rõ ràng.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh gợi ý, có thể triển khai một số chuyên đề về mức đóng, người tham gia tại một số địa phương có đông DN và NLĐ, để làm cơ sở cho việc thực hiện trên quy mô toàn quốc. Đồng thời, hằng tháng báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ thời gian dài, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn, kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, truyền thông lợi ích của BHYT HSSV và tác hại nhận BHXH một lần. Chú trọng trong công tác truyền thông theo nhóm, truyền thông trực tuyến trên mạng xã hội và các lễ ra quân. Đặc biệt, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch làm việc, bảo đảm giải quyết đúng và kịp thời các chế độ cho người tham gia và thụ hưởng…
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
12 BHXH tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ: Đạt nhiều kết ...
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc quyết tâm hoàn ...
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng kịch bản linh ...
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm hoàn thành các ...
Công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2024 của BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?