BHXH Việt Nam: Đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN

14/02/2025 10:34 AM


Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (16/02/1995-16/02/2025), ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động (NLĐ) và Nhân dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Ngành BHXH Việt Nam luôn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia và thu hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN

BHXH Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Điều này giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm phiền hà cho NLĐ và doanh nghiệp, đồng thời tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

Việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định. Phương châm hoạt động của Ngành hướng tới phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh cải cách hành chính và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đảo đảm đầy đủ quyền lợi người tham gia

Giải quyết chế độ BHXH hằng tháng: Năm 1995, toàn ngành đã giải quyết cho 976 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, năm 2024 khoảng 113 nghìn người, tương đương mức tăng gần 116 lần so với năm 1995.

Tính đến cuối năm 2024, tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng đạt hơn 3,3 triệu người.

Giải quyết chế độ BHXH một lần: Năm 2000, có 136.843 người được giải quyết chế độ BHXH một lần và 1,1 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Năm 2024, có khoảng 1,3 triệu người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng 10,2 lần so với năm 2000; số lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe khoảng 8,8 triệu, tăng 8 lần so với năm 2000. Tổng cộng từ năm 1995 đến hết năm 2024, ngành BHXH đã giải quyết hơn 172 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH và các chế độ khác liên quan.

Giải quyết chế độ BHTN: Năm 2010, ngành đã tiếp nhận để chi trả cho khoảng 150 nghìn người có quyết định hưởng TCTN. Năm 2024, con số này tăng lên trên 900 nghìn người, tương ứng mức tăng 6 lần so với năm 2010. Từ năm 2010 đến hết năm 2024, tổng số người có quyết định hưởng TCTN được chi trả đạt gần 10,7 triệu người, với trung bình hơn 700 nghìn người mỗi năm.

Số người hưởng các chế độ BHXH tăng mạnh nhờ chính sách BHXH mở rộng, thu hút nhiều người tham gia hơn. Các chính sách này đã được sửa đổi, bổ sung, tăng quyền lợi, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết. Nhận thức của NLĐ và NSDLĐ về quyền và trách nhiệm khi tham gia BHXH ngày càng được nâng cao. Đồng thời, hệ thống chính trị cũng quan tâm đến công tác BHXH. Ngành BHXH đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quy trình nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Về BHTN, số người hưởng ngày càng tăng do Luật Việc làm năm 2013 có hiệu lực từ 01/01/2015. Luật này mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung quy định bảo lưu thời gian đóng BHTN, thay đổi cách tính thời gian hưởng, nới lỏng điều kiện về thời gian đóng BHTN, và hỗ trợ học nghề. Điều này thúc đẩy số người tham gia và đóng BHTN tăng liên tục, dẫn đến số người được thụ hưởng TCTN tăng nhanh.

Niềm vui của người dân nhận lương hưu

Chi trả đầy đủ các chế độ BHXH, BHTN

Trong suốt 30 năm hoạt động, công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN luôn được ngành BHXH Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống NLĐ và góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngành không ngừng nỗ lực để chi trả các chế độ đầy đủ, kịp thời, đồng thời đổi mới phương thức chi trả, ứng dụng CNTT và cải cách hành chính.

- Chi từ nguồn NSNN: Giai đoạn 1995-2005 số chi bình quân là 6.651 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2006-2013 số chi bình quân là 28.348 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2014 đến nay số chi bình quân là 45.967 tỷ đồng/năm, gấp 6,9 lần số chi bình quân giai đoạn 1995-2005.

- Chi từ nguồn quỹ BHXH: Giai đoạn 1995-2005 số chi bình quân là 2.173 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2006-2013, số chi bình quân là 36.241 tỷ đồng/năm gấp 16,7 lần so với bình quân giai đoạn 1995-2005; giai đoạn năm 2014 đến nay số chi bình quân là 174.091 tỷ đồng/năm, tăng gấp 80,1 lần số chi bình quân giai đoạn 1995-2005, gấp 4,8 lần số chi bình quân giai đoạn 2006-2013.

- Chi từ Quỹ BHTN: Giai đoạn 2010-2014, thực hiện theo Luật BHXH số chi bình quân là 2.592 tỷ đồng/năm; từ năm 2015 đến nay, thực hiện theo Luật Việc làm số chi bình quân là 13.291 tỷ đồng, gấp 5,1 lần số chi bình quân giai đoạn 2010-2014 do theo quy định của Luật Việc làm số người hưởng chế độ BHTN tăng lên (mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHTN, bổ sung chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bổ sung điều kiện hưởng TCTN. Đặc biệt trong năm 2021 và năm 2022 thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/09/2021 của Chính phủ, quỹ BHTN chi trả cho người hưởng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khoảng 31.827 tỷ đồng.

Công tác khám chữa bệnh BHYT được triển khai hiệu quả

Cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế để ban hành các văn bản quy định, các công cụ, quy trình kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT. Các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được thực hiện nhằm tăng cường nguồn lực KCB, hướng tới chăm sóc tốt nhất sức khỏe Nhân dân, mang lại những thành tựu đáng kể:

- Thứ nhất, hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng và chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện đáng kể nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, y tế cơ sở đã được củng cố và hoàn thiện, đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT, bao gồm 2.897 cơ sở KCB và gần 10.000 trạm y tế xã tham gia BHYT, trong đó: Y tế cơ sở (tuyến huyện và xã) chiếm 95% số cơ sở KCB BHYT và đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp dịch vụ y tế. Từ 2018-2023, y tế cơ sở chiếm gần 75% số lượt KCB BHYT và 34% tổng chi phí KCB BHYT, khẳng định vai trò là “trung tâm” và “người gác cổng” đầu tiên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng liên tục qua các năm. Trong 15 năm qua, đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Năm 2024, số lượt KCB BHYT đạt 183,6 triệu, tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

- Thứ hai, quỹ BHYT tăng trưởng nhanh và trở thành nguồn tài chính quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Kể từ khi Luật BHYT có hiệu lực vào năm 2009, trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT, cụ thể:

+ Năm 2009, có 92,04 triệu lượt người đi KCB BHYT (6,34 triệu lượt điều trị nội trú và 85,7 triệu lượt điều trị ngoại trú) với tần suất KCB bình quân 1,84 lần/người/năm với tổng số tiền thanh toán BHYT là 15.396 tỷ đồng;

+ Đến năm 2015, có 130,1 triệu lượt người đi KCB BHYT (11,9 triệu lượt điều trị nội trú và 118,2 triệu lượt điều trị ngoại trú), tần suất KCB bình quân 1,91 lần/người/năm, tổng số tiền thanh toán BHYT là 48.304 tỷ đồng;

+ Năm 2020, có 167,9 triệu lượt người đi KCB BHYT (15,3 triệu lượt điều trị nội trú và 152,6 triệu lượt điều trị ngoại trú), tần suất KCB bình quân 1,96 lần/người/năm, số lượt KCB BHYT năm 2020 giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên chi phí KCB BHYT vẫn trên 100 nghìn tỷ đồng.

+ Đến hết năm 2023 có 174 triệu lượt KCB BHYT (tăng 4% so với năm 2020) với tổng chi KCB BHYT là 121.148 tỷ đồng (tăng 19,1% so với năm 2020). Số lượt KCB BHYT của năm 2024 là 183,6 triệu lượt, chi gần 143 nghìn tỷ đồng.

Công tác khám chữa bệnh BHYT được triển khai hiệu quả

- Thứ ba, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ rất lớn, giữa người khoẻ và người có bệnh, người đóng cao và người đóng thấp.

Luật BHYT sửa đổi năm 2014 tăng mức chi trả cho người nghèo (100%), cận nghèo (95%) và bảo trợ xã hội (100%). Năm 2023, chi bình quân cho người bệnh thuộc đối tượng hưu trí là 6,3 triệu đồng/người, người bệnh thuộc đối tượng bảo trợ xã hội 5 triệu đồng/người, trong khi mức đóng chỉ 1,3 triệu đồng/năm. Quỹ BHYT cũng chi trả cho thuốc điều trị ung thư, vật tư y tế đắt tiền và bệnh hiểm nghèo.

- Thứ tư, quy định về thông tuyến KCB BHYT đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT. Từ năm 2016, người tham gia BHYT có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào để KCB và từ năm 2021, điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Đặc biệt, theo luật số 51/2024/QH15 ngày 27/11/2024, sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Đồng thời, trong các trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo...người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

- Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát chi phí KCB BHYT được tăng cường thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử. BHXH Việt Nam chỉ đạo các địa phương phối hợp với Sở, Ban, Ngành để chống lạm dụng quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi người tham gia. Hệ thống giám định, triển khai từ năm 2017 đến nay đã trở thành công cụ hữu hiệu phòng chống lạm dụng, giảm chi từ quỹ BHYT hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Những nỗ lực của ngành đã góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững đất nước./.

Vũ Chức