Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân
08/05/2018 08:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dự thảo Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được xây dựng trong hai năm vừa qua, hiện đang trình Trung ương xem xét và quyết định tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (diễn ra từ ngày 7 đến 12/5). Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã dành cho Cổng TTĐT BHXH Việt Nam bài viết tổng quan về dự thảo Đề án Cải cách chính sách BHXH lần này.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp. (Ảnh: BAT)
Hướng tới công bằng trong tiếp cận cho mọi người dân
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển và thực hiện chính sách BHXH bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính sách BHXH bao gồm bảo hiểm hưu trí - tử tuất; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, chính sách BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện cùng với quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.
Ở nước ta, chính sách BHXH bắt đầu được thực hiện từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, chủ yếu cho các chế độ hưu trí và tử tuất và áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước. Bắt đầu từ năm 1995, chính sách BHXH được mở rộng ra các chế độ khác như ốm đau thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với mọi thành phần kinh tế, riêng chính sách BH thất nghiệp mới bắt đầu được triển khai từ năm 2009.
Có thể nói, hệ thống chính sách BHXH của chúng ta đến thời điểm hiện nay là khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; cho cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, là sự bảo đảm thay thế cho NLĐ giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động. Việc tiếp cận đến hệ thống BHXH, tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH mở ra đối với mọi NLĐ, hướng tới sự công bằng đối với quyền được đảm bảo an sinh của người dân.
Nhiều thành tựu quan trọng
Nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển BHXH ở Việt Nam đã được ghi nhận. Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển thị trường lao động, xây dựng và hoàn thiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH. Số tiền chi và tỷ lệ chi từ nguồn quỹ BHXH so với tổng chi BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách Nhà nước cho BHXH ngày càng giảm đã khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm ASXH.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ được đảm bảo kịp thời, thỏa đáng. (Nguồn ảnh: Internet)
Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia BHXH trên thực tế ngày càng được mở rộng. Tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng số người tham gia BHXH là 13,9 triệu người (trong đó: BHXH bắt buộc là 13,6 triệu người, BHXH tự nguyện là 0,3 triệu người), tăng hơn 2,3 lần so với năm 2007; số người tham gia BH thất nghiệp là 11,7 triệu người.
Số lượng người được hưởng chế độ BHXH không ngừng tăng lên. Đến nay, đã và đang thực hiện chế độ, chính sách cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hàng tháng. Trong năm 2017, có 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 0,7 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; trên 56 nghìn người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Mô hình tổ chức hệ thống BHXH với việc tách cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan tổ chức thực hiện chính sách về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đã phát huy được vai trò và tính hiệu quả trong từng khâu thiết kế, xây dựng, hoạch định chính sách đến tổ chức triển khai chính sách, thu chi và quản lý quỹ BHXH. Việc sử dụng lãi đầu tư phát triển từ quỹ BHXH, không dùng ngân sách Nhà nước để trang trải cho chi phí quản lý hệ thống BHXH là phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm. Phát triển hệ thống cơ quan BHXH, đại lý BHXH và mô hình tổ chức hệ thống BHXH đã từng bước tiếp cận được xu hướng phát triển BHXH trên thế giới; giúp người dân và DN tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH ngày càng dễ dàng và thuận tiện hơn. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động được cơ quan BHXH thực hiện với nhiều tiến bộ, tạo thuận lợi cho người hưởng, với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.
Cùng với thời gian, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH được tăng cường. Hệ thống pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật về BHXH thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BHXH được chú trọng hơn; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế về BHXH được đẩy mạnh.
Cần phải cải cách toàn diện
Các quy định của Luật BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có khả năng và mong muốn tham gia BHXH. (Nguồn ảnh: Internet)
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song chính sách BHXH và tổ chức thực hiện chính sách BH thất nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi phải cải cách toàn diện. Có thể kể đến một số tồn tại chính sau đây:
Một là diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp. Chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 phải đảm bảo 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, nhưng hiện nay, tỷ lệ tham gia BHXH ở nước ta mới đạt khoảng 29%, còn hơn 2 năm, là một thách thức lớn để đạt được mục tiêu này. Các quy định của Luật BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có khả năng tham gia và mong muốn tham gia BHXH như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam rất lớn, khi người chủ doanh nghiệp không còn kinh doanh, hết tuổi lao động mà không có chế độ BHXH thì sẽ là thiệt thòi lớn cho chính họ.
Về quy mô tham gia BHXH trên thực tế, hiện Việt Nam có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp nhưng có tới hơn 300 nghìn doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động, bên cạnh đó khoảng 3 triệu người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia; lý do chính ở đây là do phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (97% sử dụng dưới 30 lao động, 88% sử dụng dưới 10 lao động) nên ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; thêm vào đó, một số địa phương, với chủ trương thu hút đầu tư nên phần nào cũng nương nhẹ xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH.
Hai là các quy định về điều kiện hưởng hưu trí và nhận BHXH một lần còn nhiều bất cập. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu quá khắt khe nhưng quy định về nhận BHXH quá dễ dãi dẫn đến số lượng và tỷ lệ người tham gia BHXH tăng chậm. Những năm gần đây, cứ phát triển được hai đối tượng mới tham gia BHXH thì lại có một người nhận BHXH một lần. Quy định phải có 20 năm tham gia BHXH mới được nhận chế độ hưu trí dẫn đến những người có thời gian tham gia tương đối dài, thậm chí đến 19 năm, vẫn phải nhận BHXH một lần; những người ở độ tuổi 45-50 chưa tham gia cũng không thể tham gia được vì sẽ không đủ điều kiện về thời gian để hưởng hưu trí. Khắt khe về điều kiện hưởng hưu trí nhưng dễ dàng trong nhận BHXH một lần, thậm chí nhận BHXH một lần với mức cao - trong khi các nước quy định nhận BHXH một lần chỉ được nhận phần do cá nhân đóng góp, phần đóng của người sử dụng lao động được nhập vào quỹ BHXH thì Việt Nam cho phép nhận cả phần đóng của người sử dụng lao động - dẫn đến số lượng người nhận BHXH trong 3 năm gần đây lên tới khoảng 2 triệu người.
Ba là các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ. Cách tính lương hưu thiết kế chưa hợp lý, nặng về nguyên tắc đóng - hưởng (có đóng - có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít) mà chưa chú ý thỏa đáng tới nguyên tắc chia sẻ để thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa những người hưởng lương hưu, dẫn tới tình trạng chênh lệch về mức lương hưu quá lớn giữa những người thụ hưởng lương hưu. Vì vậy, hiện đang có người lương hưu tới hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng lại cũng có những người hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu/tháng (không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân). Mỗi lần điều chỉnh lương hưu khoảng 7%/năm, dẫn đến chênh lệch tuyệt đối về mức lương hưu lại càng lớn, người hưởng lương hưu 100 triệu đồng/tháng sẽ được thêm 7 triệu đồng/tháng, còn người hưởng lương hưu ở mức 1,3 triệu đồng/tháng chỉ tăng 91.000 đồng/tháng.
Bốn là chưa có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng với quá trình già hóa dân số. Tuổi thọ bình quân tăng nhanh nhưng tuổi nghỉ hưu được quy định từ năm 1960, đến nay đã gần 60 năm vẫn không thay đổi, tạo áp lực cho khả năng cân đối của quỹ BHXH, cũng như thách thức về thiếu hụt nhân lực trong tương lai. Cụ thể, nếu năm 2000, số người bước vào độ tuổi 15 - tuổi bắt đầu lao động là 1,7 triệu người, số người ra khỏi tuổi lao động (55 đối với nữ và 60 với nam) là 500 ngàn người, số người trong tuổi lao động tăng thêm là 1,2 triệu người - tức là số tăng của lực lượng lao động gấp 2,5 lần số tăng của người ở độ tuổi về hưu. Năm 2017, số người bước vào tuổi lao động là 1,3 triệu người, ra khỏi tuổi lao động là 953 ngàn người, lực lượng lao động tăng thêm hơn 300 ngàn người, tức là số tăng của lực lượng lao động chỉ bằng 1/3 số tăng của người ở độ tuổi về hưu. Dự báo đến năm 2035, số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu người, ra khỏi tuổi lao động là 1,26 triệu người, lực lượng lao động tăng thêm hơn 250 ngàn người, tức là số tăng của lực lượng lao động chỉ bằng 1/5 số tăng của người ở độ tuổi về hưu. Nói cách khác, số tăng người ở độ tuổi nghỉ hưu sẽ gấp nhiều lần số tăng của lực lượng lao động và chắc chắn Việt Nam sẽ thiếu hụt lao động trong tương lai. Do đó, việc mở rộng độ tuổi lao động hay nói cách khác là nâng tuổi nghỉ hưu như các nước đã và đang làm là cần thiết.
Năm là sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách BHXH chưa được thiết lập, cụ thể là giữa chính sách bảo hiểm hưu trí và BH thất nghiệp. BH thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Chính sách BH thất nghiệp mới chú trọng các giải pháp giải quyết hậu quả thông qua hỗ trợ NLĐ nhận trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa như hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, thu hút lao động thất nghiệp dài hạn khó tìm việc làm… như thông lệ các nước. Chính vì thiếu các giải pháp này mà số người rời khỏi hệ thống BHXH, đóng BHXH gián đoạn gia tăng, không đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Bên cạnh đó, còn có các hạn chế về hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước. Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, chậm được khắc phục. Nợ đóng BHXH còn lớn. Xuất hiện tình trạng trục lợi từ quỹ BHXH; doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận không đóng hoặc giảm mức đóng vào quỹ BHXH. Các chế tài xử lý vi phạm pháp luật BHXH còn chưa đủ mạnh và thực thi chưa nghiêm. Việc giao công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiệu quả không cao và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về vai trò, tác dụng của BHXH chưa đầy đủ và toàn diện.
09 nội dung cải cách lớn
Đề án khẳng định mục tiêu lâu dài là tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. (Nguồn ảnh: Internet)
Đề án Cải cách chính sách BHXH được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thời gian qua, nghiên cứu các bài học kinh nghiệm quốc tế, dự báo bối cảnh kinh tế - xã hội thời gian tới tác động đến lĩnh vực BHXH và đề xuất nhiều nội dung cải cách lớn cả về chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, bao gồm:
Một là khẳng định mục tiêu lâu dài là tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, nâng cao năng lực tự đảm bảo ASXH của người dân và bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, cũng như quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Hai là thiết kế hệ thống BHXH với chương trình hưu trí đa tầng nhằm tăng diện bao phủ, ngân sách Nhà nước cung cấp lương hưu xã hội cho người không có lương hưu và BHXH để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Nhà nước tổ chức và vận hành hiệu quả tầng hưu trí dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ để đảm bảo an sinh cho người lao động, đồng thời thiết kế chế độ hưu trí bổ sung để doanh nghiệp có thỏa thuận tốt hơn cho người lao động, thu hút người tài, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho người về hưu có cơ hội đa dạng hóa nguồn và nâng mức lương hưu.
Ba là giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người tham gia BHXH có thời gian tham gia BHXH ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45-50 tuổi) mới tham gia có điều kiện hưởng chế độ hưu trí, qua đó mở dộng diện bao phủ và nâng cao năng lực tự đảm bảo ASXH của người dân, giảm mức độ phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
Bốn là khẳng định tính tất yếu và đưa ra phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và quan hệ lao động. Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được thiết kế phù hợp có tính đến nhiều yếu tố như trong Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đã thể hiện.
Năm là nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường sự liên kết hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, nhất là chính sách BH thất nghiệp và BH hưu trí để tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng người lao động và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Sáu là khẳng định việc mở rộng diện bao phủ cần được tiến hành song song và đồng bộ cả hai giải pháp: Tăng số người tham gia mới và giảm số người rời khỏi hệ thống bằng việc hưởng nhận BHXH một lần. Các chính sách và giải pháp tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia và giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần đã được đề xuất đồng bộ trong Đề án.
Bảy là đề xuất tầng BHXH dựa trên đóng góp gắn với thu nhập do Nhà nước tổ chức thực hiện hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp. Mục tiêu này không hạn chế quyền được có mức sống, mức thu nhập tốt hơn của người nghỉ hưu thông qua quy định tầng hưu trí bổ sung do doanh nghiệp và người lao động giao kết với tổ chức dịch vụ hưu trí bổ sung.
Tám là có những cải cách trong tính toán các tham số BHXH; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.
Chín là khẳng định sự cần thiết và đề xuất các giải pháp cải cách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH, cũng như các giải pháp cải cách nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp hướng tới sự hài lòng và củng cố niềm tin của người dân./.
Doãn Mậu Diệp
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Chi tiết >>
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
Bổ sung quy định mức chi thù lao tổ chức dịch vụ thu đối ...
Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngành ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Tập trung các nguồn lực cho công tác thu, giảm số chậm ...
BHXH tỉnh Đắk Nông: Đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm về đích ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?