Sẽ triển khai phương án cấp bù lương hưu cho lao động nữ
24/04/2018 10:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là ý kiến được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên toàn thể lần thứ 8 vừa được Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) tổ chức ngày 23/4, tại Hà Nội. Trong chương trình làm việc của phiên họp lần này, Ủy ban sẽ nghe báo cáo về tình hình xây dựng Đề án Cải cách BHXH do Chính phủ xây dựng chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 5/2018.
Toàn cảnh phiên họp. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thuý Anh dự và chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng; Hội LHPN Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam...
Báo cáo trước các thành viên Ủy ban, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Đề án Cải cách BHXH được xây dựng trong hai năm vừa qua, và đến nay, về cơ bản Đề án đã hoàn tất với 02 phương án đặt ra: Phương án thứ nhất dự kiến sẽ cải cách về BHXH; phương án thứ hai dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung một số vấn đề về BHXH. Tinh thần chung của Đề án là nhằm tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hướng tới mục tiêu trên, Đề án đang được xây dựng với một số nội dung cụ thể như:
Thứ nhất, thiết kế xây dựng BHXH đa tầng với 03 tầng chủ yếu: Tầng thứ nhất là tầng an sinh, do Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để đảm bảo lương hưu xã hội; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc và tầng thứ ba là BHXH bổ sung, thực hiện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho NLĐ đóng thêm để hưởng lương hưu cao hơn.
Thứ hai, sẽ xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện nay, Luật BHXH đang quy định NLĐ có thời gian đóng BHXH 20 năm sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, trên thực tế, có những người đã tham gia 10 hoặc 15 năm rồi nhưng không có khả năng tiếp tục tham gia đóng BHXH, và sẽ không được hưởng chế độ lương hưu - là rất thiệt thòi. Do đó, trong lần cải cách chính sách BHXH lần này, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH. Nguyên tắc đóng - hưởng vẫn được duy trì (đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn).
Thứ ba, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách cũng như tính linh hoạt trong thực hiện chính sách BHXH.
Thứ tư, cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin cho người tham gia BHXH.
Thứ năm, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức để gia tăng số người tham gia BHXH. Lý giải về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2020 phải đảm bảo phát triển được 50% số NLĐ tham gia BHXH. Tuy nhiên, hiện 66% lao động nước ta lại đang nằm ở khu vực phi chính thức. Do đó, phải thực hiện có hiệu quả quá trình dịch chuyển này.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo Đề án Cải cách BHXH tại phiên họp. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một vấn đề có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, cần TƯ quyết định, sau đó Chính phủ mới trình xem xét sửa đổi Luật BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cần phải có lộ trình để không gây sốc cho xã hội. Đơn cử như bài học về nâng tuổi nghỉ hưu của Ý: Nước này từng điều chỉnh 04 tuổi nghỉ hưu trong 10 năm, gây sốc cho xã hội và làm thay đổi cơ cấu lao động của nước này. Sau đó, nước bạn đã phải có động thái điều chỉnh lại chính sách.
Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH thiết kế hai phương án trong Đề án trình, cụ thể như sau:
Phương án một: Nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 03 tháng.
Phương án hai: Lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, với lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 04 tháng.
Bộ LĐ-TB&XH đang tính phương án cấp bù để nhóm lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 đỡ thiệt thòi. (Nguồn ảnh: Internet)
Về việc điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ từ ngày 01/01/2018, theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, việc thay đổi cách tính lương hưu từ ngày 01/01/2018 đã bộc lộ bất cập nhất định khi chỉ sau 01 đêm, từ 31/12/2017 đến 01/01/2018, cùng là phụ nữ với cùng số năm công tác 25 năm, nhưng chỉ chênh nhau 01 ngày (mốc thời gian tính hưởng lương hưu) thì có gần 3.000/21.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ mất từ 2-10% mức lương hưu/tháng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong Hội nghị bình đẳng giới gần đây, Bộ này đã có báo cáo tiếp thu và báo cáo trình Quốc hội, sau đó báo cáo Chính phủ. Tháng 3/2018, Tổng thư ký Quốc hội đã có ý kiến chính thức về nội dung này. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ không đề nghị sửa Luật BHXH, mà nếu có tính đến phương án sửa Luật thì phải đợi sau khi Đề án Cải cách tiền lương được thông qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán đưa ra phương án sẽ cấp bù để nhóm lao động nữ chịu ảnh hưởng bởi chính sách này đỡ thiệt thòi. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 5/2018 và cố gắng thuyết phục Chính phủ đồng ý phương án này./.
Trọng Nguyễn (t/h)
Chi tiết >>
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
Bổ sung quy định mức chi thù lao tổ chức dịch vụ thu đối ...
Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngành ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Tập trung các nguồn lực cho công tác thu, giảm số chậm ...
BHXH tỉnh Đắk Nông: Đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm về đích ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?