Tăng cường công tác truyền thông về Hiệp định Thương mại tự do

24/09/2020 08:27 AM


Là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” tại buổi làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chiều 23/9/2020.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Nhiều kết quả tích cực và khả quan

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng ta và là một trọng tâm của hội nhập quốc tế; là bộ phận quan trọng xuyên suốt công cuộc đổi mới của nước ta. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh việc đa phương hóa quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA, các FTA thế hệ mới.

Phó Thủ tướng cho biết sau khi gia nhập WTO vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực, 3 FTA đang đàm phán. Nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Báo cáo về kết quả kinh tế - thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Do vậy, còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực.

Ngay sau ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), ngày 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. 

Về kết quả thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan. Theo đó, trong 1 tháng kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. 

Theo báo cáo của Tổ giúp việc Đoàn giám sát, Đoàn giám sát đã tổ chức 3 cuộc làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tại các cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng, lợi ích mà FTA mang lại rõ nét, như tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế… Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, thách thức mà Việt Nam vẫn phải đối mặt như: Giá trị gia tăng đóng góp trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là thấp, tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ (CO) thấp; áp dụng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu; xử lý tranh chấp trong tương lai; những nội dung về lao động, sở hữu trí tuệ, tham nhũng trong các FTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Về công tác tổ chức, có ý kiến cho rằng hiện còn thiếu đầu mối công tác thực hiện FTA của Chính phủ cũng như đầu mối tại từng bộ, ngành Trung ương. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA và thị trường các nước đối tác cũng cần được cải tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, sự sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp cũng là vấn đề đặt ra trong thực thi FTA. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, các chỉ số cốt lõi về cạnh tranh như thể chế, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực (đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề) còn thấp.

Giám sát việc thực hiện FTA

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ đồng thời khẳng định, việc tham gia các FTA đã có tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc ký kết các FTA đã đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia: Kinh tế tăng trưởng, GDP bình quân đầu người được cải thiện… Theo số liệu, năm 1995, GDP đầu người của Việt Nam chỉ 276 USD thì đến nay là khoảng 2.740 USD, gấp 10 lần. Việc ký kết các FTA đã hỗ trợ xuất khẩu, từ đó giảm nghèo, nâng cao GDP bình quân đầu người.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, việc Quốc hội chọn nội dung giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên” là cần và đúng. Điểm lại tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, việc nước ta gia nhập các Hiệp định này là một bước quan trọng đánh dấu bước phát triển thành công trong tư duy của quá trình đổi mới.

Đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm các nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã làm rõ về cam kết của Việt Nam trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, kể cả các cam kết về thuế quan, hàng rào phi thuế quan, hải quan; làm rõ việc mở cửa thị trường thương mại dịch vụ, bảo hộ đầu tư, các cam kết sở hữu trí tuệ, mua sắm công…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ cùng các thành viên Đoàn Giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện các báo cáo đảm bảo tiến độ, chất lượng. Theo đó, Đoàn Giám sát nên báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, củng cố tổ chức bộ máy nhà nước để quản lý, điều hành cho hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền các FTA mà Việt Nam tham gia bằng nhiều cách. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh xuất khẩu để tận dụng ưu đãi của các FTA mà Việt Nam tham gia, chú ý đến các rào cản phi thuế quan hiện nay; quan tâm đến các ngành có chất lượng, sản phẩm trong nước có ưu thế, một số thị trường mới mà ta chưa gia nhập được.

Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu và triển khai có hiệu quả các FTA để tham mưu kịp thời với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong điều hành.

PV