Thu nhập của công nhân chỉ được cải thiện khi tăng ca, làm thêm giờ

11/12/2017 01:05 PM


Theo báo cáo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), sau khi làm tăng ca, tăng giờ để tăng thu nhập và nếu chi tiêu tằn tiện, có 28,9% công nhân lao động có thể tiết kiệm được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng.

Thu nhập của công nhân đạt bình quân 4,72 triệu đồng/tháng

PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Nhằm có thông tin thực tế đánh giá về thực trạng thu nhập, đời sống của công nhân lao động trong các doanh nghiệp, Viện Công nhân và Công đoàn đã thực hiện cuộc điều tra trong tháng 3-4/2017 tại 14 tỉnh, thành phố và các cơ sở thuộc 3 công đoàn ngành (Công thương, Khoáng sản và Nông nghiệp). Khảo sát cũng được thực hiện ở 4 vùng lương và 6 vùng địa lý; với 8 nhóm ngành sản xuất, dịch vụ. Qua điều tra bằng bảng hỏi; tọa đàm tại cơ sở và tọa đàm tại cấp tỉnh, ngành cho thấy mặt bằng tiền lương, thu nhập nhìn chung của công nhân lao động đã được cải thiện đáng kể một số năm gần đây. Thu nhập từ lương cơ bản, lương làm thêm giờ (chưa tính tiền ăn ca và các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác) của công nhân đạt bình quân 4,72 triệu đồng/tháng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, sau khi làm tăng ca, tăng giờ để tăng lương và nếu chi tiêu tằn tiện, có 28,9% công nhân lao động có thể tiết kiệm được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Hầu hết lao động trẻ, chưa lập gia đình, chưa có con... có thể tiết kiệm 20-30% thu nhập.

Công nhân ngừng việc tập thể tại Nghệ An.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình hình ngừng việc tập thể tuy có giảm nhưng diễn biến phức tạp. Cụ thể, 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 133 cuộc ngừng việc tập thể, giảm 42 cuộc so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, số lao động tham gia ngừng việc tập thể lại có xu hướng tăng lên. Ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Qua phân loại, trong tổng số 133 cuộc đình công xảy ra trong 5 tháng đầu năm, có 110 cuộc xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 82,1%), có 90 cuộc xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Nam (chiếm 67,67%). Về nguyên nhân và thời điểm ngừng việc tập thể cơ bản không thay đổi, chủ yếu liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết, chậm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng... Các cuộc ngừng việc tập thể diễn ra nhiều nhất trong tháng 01- thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017 và cũng là thời điểm các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Công đoàn chưa nhận diện được nguy cơ đình công

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Châu Văn Thắng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể với sự tham gia của 2.088 công nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động không thanh toán lương, thưởng kịp thời; người lao động phản ứng với một số quy định mới và cách hành xử của người quản lý. Nguyện vọng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) là có việc làm và thu nhập ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng được bảo đảm. CNVCLĐ mong muốn doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách với người lao động; đảm bảo chất lượng bữa ăn ca. Từ kinh nghiệm hòa giải ở địa phương, ông Châu Văn Thắng chia sẻ: “Để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ở doanh nghiệp các cán bộ CĐ cần phải bám sát cơ sở, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, qua đó trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động để tìm nguyên nhân, đưa ra cách tháo gỡ vướng mắc. Để làm được điều trên, các cán bộ CĐ phải có bản lĩnh, am hiểu chính sách pháp luật liên quan đến người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Ngô Tôn Tẫn cho rằng, các cấp công đoàn cần tháo gỡ khó khăn trong giải quyết tranh chấp lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tại Thanh Hóa xảy ra 9 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, tuy nhiên đều là quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, chỉ nằm trong một phân xưởng, một ca sản xuất, không ảnh hưởng đến an ninh chính trị địa phương. Nguyên nhân cơ bản là người sử dụng lao động vi phạm chế độ chính sách khiến người lao động bức xúc. Tuy nhiên, khó khăn là có các đơn vị do các Tổng công ty đầu tư vào Thanh Hóa, trực thuộc CĐ nơi khác, nên các cấp CĐ tỉnh Thanh Hóa không vào cuộc giải quyết được, không có quyền đưa ra yêu cầu đối với người sử dụng lao động. Về tình trạng nợ đọng BHXH, ông Tẫn cho biết, có những đơn vị của T.Ư đóng trên địa phương nợ 15-17 tỷ đồng. Vì thế, một mình địa phương không thể làm được.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá, các cấp CĐ chưa nhận diện được nguy cơ đình công. Các cuộc ngừng việc thời gian qua đều đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, nhưng đều diễn ra tự phát. Kết quả sau ngừng việc tập thể, điều kiện làm việc và quyền lợi người lao động đều được cải thiện tốt hơn. CĐ phải có cách xử lý như thế nào; đề xuất cơ chế giải quyết và cần có đủ cơ sở để chứng minh sự đề xuất này./.

Theo baodansinh.vn