Lao động nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định

11/12/2017 11:00 AM


Dự thảo báo cáo 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới cho thấy, tỷ lệ lao động (LĐ) nữ tham gia vào thị trường LĐ luôn giữ ở mức ổn định 48-49%. Tuy nhiên, chất lượng việc làm còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao.

Thu nhập bằng 90% của LĐ nam

Theo dự thảo báo cáo, LĐ nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao như: Dịch vụ, dệt may, da giầy... (chiếm khoảng 70% tổng số LĐ trong các ngành này); 62,4% LĐ nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương/công và tự làm; 41,1% LĐ nữ làm những công việc đơn giản; 43,6% LĐ nữ làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Lương bình quân hàng tháng của LĐ nữ khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với LĐ nam là 5,19 triệu đồng.

Từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam đưa được từ 80.000 đến 100.000 LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu tại các thị trường như: Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông..., trong đó 35-40% là nữ giới. Thu nhập bình quân của LĐ được cải thiện đáng kể, tuy nhiên thu nhập của LĐ nữ chỉ bằng 90% thu nhập của LĐ nam.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), mặc dù đã có nhiều chính sách thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực LĐ nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó thực hiện. Hầu hết các nghề mà pháp luật không cấm, nữ LĐ vẫn không được tuyển dụng bằng nam. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng LĐ nữ lại đưa thêm các quy định về điều kiện tuyển dụng ngoài pháp luật LĐ như: LĐ nữ được tuyển dụng sau một thời gian nhất định mới được kết hôn hoặc sinh con.

Lớp dạy nghề may công nghiệp tại xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương. Ảnh: Internet.

Về độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm, vẫn tồn tại sự khác biệt giữa nam và nữ trong đề bạt và bổ nhiệm. Còn tiền lương và tiền công phụ thuộc vào kết quả LĐ và hiệu quả kinh tế nên vấn đề này đã bảo đảm được tính công bằng, không có sự phân biệt đối xử về giới. Tuy nhiên, trung bình tiền lương chính của LĐ nữ vẫn thấp hơn so với LĐ nam, do nữ giới có trình độ trung bình thấp hơn nên phải làm những công việc có lương thấp hơn so với nam. Về chính sách BHXH và các điều kiện khác, tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân giữa nam và nữ đều thấp hơn tuổi quy định và có sự chênh lệch khá xa giữa nam và nữ.

Hơn 3,5 triệu LĐ nữ được đào tạo nghề sau 5 năm

Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2011-2016, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 9,456 triệu LĐ, trong đó LĐ nữ chiếm khoảng 48% tổng số việc làm được tạo ra của cả nước. Ở nhiều bộ, ngành tỷ lệ LĐ nữ được tuyển dụng mới có xu hướng cao hơn nam giới, như: BHXH Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, đặc biệt Bộ Tư pháp luôn đạt trên 80%. Bên cạnh đó, tỷ lệ LĐ nữ được tạo việc làm mới ở một số địa phương năm 2015 hơn 60% như: Bắc Ninh (67%), Thái Bình (62,8%), Đồng Nai (68%).

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp đạt 24,8% ( tăng 4,8% so với năm 2010); tỷ lệ nữ làm chủ trang trại là 8,64%. Năm 2016, theo báo cáo của 36 địa phương, có 10 địa phương đạt tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp từ 30% trở lên.

Từ 2011-2015, trên 3,5 triệu LĐ nữ nông thôn được đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng (chiếm 43%); trong đó, trên 2 triệu LĐ nữ được hỗ trợ học nghề theo các chính sách, đề án. Năm 2016, kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐ nông thôn đạt 39,1%.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2015 dư nợ cho vay các gia đình do phụ nữ làm chủ hộ là gần 87.000 tỷ đồng, với gần 4,5 triệu hộ vay vốn là nữ. Trên 80% gia đình do phụ nữ làm chủ hộ tại các vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu đều được Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay vốn từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các chương trình vốn ưu đãi khác.

Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000-2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 LĐ mỗi năm, trong đó LĐ nữ chiếm khoảng 60%.

Theo baodansinh.vn