Đối thoại tích cực, gỡ vướng về thuế và hải quan cho doanh nghiệp
28/11/2017 09:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Tài chính là cơ quan luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Cả hai lĩnh vực thuế và hải quan luôn có những đánh giá, xử lý ý kiến của doanh nghiệp và người dân, qua đó giúp các cơ quan thuế và hải quan tăng cường rà soát và cải tiến phương thức làm việc cho phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.
Đây là nhận định của ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị đối thoại về Chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan 2017 ngày 27/11.
Hội nghị đối thoại thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Ghi nhận việc đơn giản hoá nhiều thủ tục thuế, hải quan
Đại diện VCCI cho biết, đã khảo sát, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và đã chuyển toàn bộ các ý kiến, kiến nghị cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực thuế, đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính (TTHC). Bộ Tài chính đã phối hợp với 46 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và đã có 96% số doanh nghiệp thực hiện với số tiền đã nộp NSNN từ 1/1/2017 đến nay là 392.160 tỷ đồng với trên 2,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử; đã triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành phố với 2.155 doanh nghiệp khai hoàn thuế điện tử, đạt 31,94% trên tổng số 6.747 doanh nghiệp tham gia thí điểm với tổng số hồ sơ tiếp nhận là 5.295 hồ sơ, tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan (thông qua hệ thống VNACSS/VCIS), đến nay đã có trên 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACCS/VCIS với khoảng 74.600 doanh nghiệp tham gia và có hơn 573.000 hồ sơ xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của 14.763 doanh nghiệp; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục Hải quan…
Những nỗ lực cải cách nêu trên đã được đánh giá cao. Cụ thể, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 14 bậc và xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, trong đó chỉ số về nộp thuế năm thứ 4 liên tiếp được đánh giá là một trong những chỉ số có tác động tích cực nhất đến môi trường kinh doanh chung ở Việt Nam (tăng 81 bậc và xếp vị trí thứ 86/190).
“Cả hai lĩnh vực thuế và hải quan luôn có những đánh giá, tiếp cận ý kiến của doanh nghiệp và người dân, qua đó giúp các cơ quan thuế và hải quan tăng rà soát và cải tiến cho phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp”, ông Đoàn Duy Khương đánh giá.
Trực tiếp tháo gỡ vướng mắc doanh nghiệp
Về lĩnh vực thuế, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho biết, dù đã có những thay đổi trong chính sách, pháp luật thuế thời gian gần đây theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ.
Chính điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung. Đại diện VCCI cũng cho biết, không ít doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc đối với một số quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng điều kiện hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp còn hạn chế.
Đại diện VCCI cũng đánh giá, ngành thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai TTHC khá mạnh mẽ trong thời gian qua, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT này cần được tiến hành một cách đồng bộ và toàn diện hơn nữa.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan thuế theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số bất cập như hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan thuế và DN không đồng bộ dẫn đến doanh nghiệp gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng cơ quan thuế báo lỗi không nhận được.
Về vấn đề thanh kiểm tra, một số doanh nghiệp phản ánh thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, dẫn tới bị truy thu, với tiền lãi chậm nộp lên tới hàng trăm triệu đồng là quá nặng.
Về lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho biết, thông tin chính sách, pháp luật hải quan có nhiều thay đổi và doanh nghiệp thường bị động về thông tin chính sách mới.
Ông Đoàn Duy Khương cũng đề nghị cơ quan hải quan gửi thông báo cho doanh nghiệp thường xuyên hơn… Chính sách hải quan có nhiều thay đổi nhưng chưa phổ biến rộng rãi, doanh nghiệp nhiều lúc chưa tiếp cận được. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.
Vấn đề kiểm tra chuyên ngành, mặc dù không trực tiếp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành hải quan nhưng lại liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, hiện đang là một trong những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương dẫn chứng, khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu 1 lô thép về phải mất 24 tiếng mới xin được công văn đến của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sau khi có công văn đến doanh nghiệp nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, sau đó nộp cho hải quan mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp cho Chi cục này chờ đợi 3 ngày làm việc mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu để thông quan tờ khai hải quan. Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước xem xét giảm bớt nhiều giấy phép con này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Cần sửa đổi đồng bộ các quy định
Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật và dưới luật theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thể chế bằng văn bản, có các giải thích rõ ràng về quy trình, thủ tục xuyên sốt quá trình giải quyết thủ tục hành chính từ Trung ương đến cấp Cục, Chi cục, tránh hiện tượng khi tiếp cận các thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn nhận thấy khó hiểu, khó thực hiện. Các biểu mẫu cũng không nên thay đổi quá nhiều nếu không thực sự cần thiết.
Đại diện một doanh nghiệp tại buổi đối thoại. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan đã giải đáp các vướng mắc về chính sách thuế, hải quan cũng như các thắc mắc mang tính kỹ thuật, thủ tục cụ thể của các doanh nghiệp. Đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế đã trực tiếp trả lời những khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến các nội dung như thuế TNDN, thuế GTGT, thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trước mắt phấn đấu đạt mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN-4; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ; triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử giải quyết trong quý IV/2017. Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để những cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Tiếp tục tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ và tư vấn pháp luật về thuế, để nâng cao nhận thức và tính tuân thủ pháp luật về thuế trong cộng đồng.
Với những câu hỏi DN gửi tới chưa đủ thời gian trả lời trực tiếp tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng hợp và trả lời doanh nghiệp, đồng thời nội dung trả lời này cũng sẽ được tổng hợp để đăng tải trên Website của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
“Nếu trong quá trình thực hiện, DN có vướng mắc phát sinh tiếp tục gửi câu hỏi, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hoàn thiện, tiếp tục cải cách mạnh mẽ, kiểm tra giám sát, phục vụ cộng đồng DN tốt hơn”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói. Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh sửa đổi các thông tư hướng dẫn cụ thể hơn trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Tài chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. “Nhưng sửa thông tư hướng dẫn cũng chỉ là tình thế, Bộ Tài chính cũng đang tích cực soạn thảo các nghị định, luật sửa đổi để trình các cấp cao hơn xem xét nhằm tạo thuận lợi theo hướng căn cơ, lâu dài hơn cho cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Theo kế hoạch, Hội nghị đối thoại với các DN phía nam được Bộ Tài chính và VCCI phối hợp tổ chức vào ngày 29/11 tại TPHCM tới đây.
Theo VGP
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?