Đẩy mạnh công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước

30/10/2017 02:04 PM


Hôm nay ngày 30/10, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 30/10, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Phiên thảo luận sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.

Về tổ chức bộ máy: Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện việc sắp xếp, điều chỉnh theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và chuyển tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước vào các Bộ thích hợp để bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật.

Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sự nghiệp của các cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ đã phân công các thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực về các hoạt động của các cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động.

Bên cạnh đó, số lượng các tổ chức quản lý chuyên ngành có xu hướng chuyển đổi từ các tổ chức chỉ thực hiện chức năng tham mưu (vụ) sang loại hình tổ chức vừa thực hiện chức năng tham mưu, vừa tổ chức thực thi (cục) theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế đòi hỏi và nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước các chuyên ngành, lĩnh vực.

Các cơ quan chuyên môn ở địa phương được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp với sự sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức Chính phủ theo các nhiệm kỳ bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và theo xu hướng thu gọn đầu mối, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; phân định rõ hơn chức năng và mô hình tổ chức của chính quyền đô thị với chính quyền ở nông thôn, biển và hải đảo để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Về quản lý biên chế: Biên chế công chức, biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập) được quản lý chặt chẽ và thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương tự cân đối, sắp xếp trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để bố trí đối với các đơn vị thành lập mới, hoặc được bổ sung nhiệm vụ mới, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về tinh giản biên chế: Thông qua việc rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có đã xác định được số lượng người cần thiết giữ lại làm việc lâu dài, ổn định và những người không đáp ứng được yêu cầu cần tinh giản; từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm sự ổn định về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kể cả những người trong diện phải tinh giản. Thông qua việc tổ chức triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, cùng với chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên và tạo điều kiện cho những người tinh giản biên chế sau khi nghỉ việc thoải mái về tư tưởng và có thêm một khoản kinh phí để bảo đảm ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, hiện nay, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chưa chú trọng thanh tra công vụ, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trên một số lĩnh vực ở nhiều Bộ ngành, địa phương còn thấp, nhất là cấp cơ sở. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử chậm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai…

Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng cường ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm vi phạm. Tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xác định rõ vị trí việc làm, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Phát huy dân chủ cơ sở, tạo chuyển biến tích cực; tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian, giảm chi phí...

PV