Hướng tới tạo việc làm bền vững

21/04/2017 12:00 AM


Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 18/4 - phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Đào Ngọc Dung tập trung vào những nội dung ĐBQH quan tâm, giải trình khá đầy đủ, nhận rõ trách nhiệm, xác định các nhóm giải pháp khắc phục, trong đó có những giải pháp đột phá để giải quyết vướng mắc, bất cập thuộc lĩnh vực được giao quản lý.

Một trong những điểm mới của lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội là vừa qua, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ đã chính thức phân công cho Bộ LĐ, TB - XH là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Bộ đã cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc bàn giao. Và từ ngày 1.1.2017, Bộ LĐ, TB - XH chính thức bắt tay vào thiết kế và tập trung thực hiện chức năng liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. 

 
Dao ngoc dung 190417.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn    

Trả lời câu hỏi, để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết XII của Đảng, Bộ sẽ tập trung vào những giải pháp đổi mới cơ bản nào, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ đã đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản, và sẽ được xây dựng trong Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục nghề nghiệp. 

Trong 10 nhóm giải pháp này, Bộ chọn 3 vấn đề có tính chất đột phá, mà “nếu làm tốt chắc chắn hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có những chuyển động nhất định”. 

Thứ nhất là tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tự chủ nhưng không phải là khoán trắng mà khuyến khích, bắt buộc các trường hoạch toán như DNNN, hướng tới việc làm bền vững. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động. Tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với chuẩn mực của các nước ASEAN và một số nước phát triển. 

Thứ hai, tăng cường sự tham gia của DN trong giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa DN với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động.

Thứ ba, tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với chuẩn mực của các nước ASEAN và các nước phát triển như chuẩn đầu ra, chuẩn về cơ sở vật chất thiết bị, chuẩn về cán bộ quản lý, chuẩn về kiểm định chất lượng.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về tình trạng đào tạo lãng phí nguồn nhân lực, giải pháp về nhà trường chịu trách nhiệm giải quyết việc làm, nếu đào tạo ra không có việc làm thì nhà trường không thu phí có khả thi, giải pháp đột phá để ngay trong năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo…;  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ, TB - XH cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính… đều mong muốn và sẽ cố gắng ở mức cao nhất để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, đặc biệt là giáo dục đối với thanh niên miền núi, dân tộc. “Với quyết tâm chính trị của mình, sự ủng hộ, vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, sự giám sát của Quốc hội tin tưởng là chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn 1 bước” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng bày tỏ quan điểm: tình trạng thất nghiệp, hay việc làm không đúng với nghề nghiệp được đào tạo là vấn đề nước nào cũng có, kể cả những nước tiên tiến và đào tạo nghề tốt, thì tỷ lệ thất nghiệp còn rất cao. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn làm sao giảm càng nhiều tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, làm không đúng việc làm càng tốt. 

Kết luận về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ, TB - XH, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho rằng, về đào tạo nghề, Bộ trưởng đã thể hiện Bộ nỗ lực lớn trong việc ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật để vận hành công tác quản lý đào tạo nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. 

Phó Chủ tịch Thường trực QH yêu cầu Bộ LĐ, TB - XH trong năm 2017 hoàn thành công tác rà soát quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề để định hướng phát triển phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực. Tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với thị trường lao động; đổi mới mô hình đào tạo, kết nối giữa doanh nghiệp với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động hướng đến phát triển việc làm bền vững; giao tính chủ động việc lựa chọn loại hình ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng… 

Có thể thấy, các nhóm giải pháp cơ bản, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá mà Bộ trưởng nêu ra là đúng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, như nhận định của một số ĐBQH bên lề Phiên chất vấn, đây là những giải pháp không mới và đang được thực thi. Vấn đề là cần chọn được khâu đột phá, định lượng rõ hướng xử lý ngay trong nhiệm kỳ này, không để vướng mắc, hạn chế đã được chỉ ra tiếp tục kéo dài hơn.

Trong phiên giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình hình các học viên cai nghiện trốn trại, lãng phí trong sử dụng thiết bị ở các trung tâm dạy nghề, chính sách của con các Cựu chiến binh, thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc hóa học;…
 

PV