Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu

01/08/2024 10:18 AM


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu.

Đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu trong thời gian qua đã tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập. Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tại Chỉ thị 24/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ chỉ thị 04 nội dung chính như sau:

1. Hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm

4. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu

Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

- Rà soát các văn bản quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc phạm vi quản lý (nếu có) để kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (sau khi được ban hành); hoàn thành trong tháng 12 năm 2024;

- Trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù phát triển của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong trường hợp cần thiết; hoàn thành trong tháng 12 năm 2024;

- Ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 83 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; hoàn thành trong Quý IV/2024;

- Ban hành văn bản quy định về thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; hoàn thành trong Quý III/2024;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 23/2024/NĐ-CP và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; đăng tải đầy đủ thông tin đúng trách nhiệm và thời hạn theo quy định của pháp luật về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tối ưu hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin tới các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế;

- Đẩy nhanh tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, dự thảo hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng;

- Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền;

- Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng trách nhiệm, gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi;

- Giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách.

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đấu thầu trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư có liên quan; chủ động bố trí nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu để nâng cao nghiệp vụ về đấu thầu cho đội ngũ công chức, viên chức.

Liên quan nội dung Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu, tại Chỉ thị cũng giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế của từng bệnh viện, địa phương và Bộ Y tế trên Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước./.

Vụ PC