Đề nghị triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ Trung ương đến cơ sở

29/03/2024 08:10 AM


Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2026).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

Phát huy vai trò tích cực, trung tâm của đại biểu Quốc hội xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, năm 2023, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; có thể thấy rõ trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023 mà Văn phòng Quốc hội tổ chức bình chọn cuối năm 2023.

Năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường, để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo. “Có được những kết quả đó là có sự đóng góp tích cực của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đặc biệt là vai trò tích cực, vai trò trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội, dù ở bất kỳ cương vị nào, đều tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực, bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.

Quang cảnh hội nghị chiều 28/3

Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 do Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh trình bày tại hội nghị nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác lập pháp, một số đoàn đại biểu Quốc hội triển khai lấy ý kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn chậm, một số đoàn không tổ chức hội nghị để thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án luật, có ĐBQH chưa dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu báo cáo, tài liệu do đó chất lượng ý kiến đóng góp vào văn bản luật chưa cao.

Một số đoàn chưa tổ chức, thành lập đoàn giám sát theo kế hoạch riêng mà chỉ thành lập đoàn giám sát theo kế hoạch hàng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giám sát qua báo cáo. Công tác khảo sát còn ít, việc theo dõi, đôn đốc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân có nơi còn chậm…

Tập hợp kiến nghị, đề xuất đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh quá trình chuẩn bị tài liệu dự án luật, tài liệu phục vụ kỳ họp; chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm gửi các tài liệu, dự thảo luật, báo cáo về địa phương; chỉ đạo các cơ quan trình dự án luật nghiêm túc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Bên cạnh đó, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bổ sung quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chậm hoặc không thực hiện các kiến nghị sau giám sát; chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục điều hòa hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khắc phục tình trạng tập trung tại một thời điểm có nhiều đoàn giám sát, khảo sát đến làm việc cùng một địa phương…

Đối với Chính phủ, các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ Trung ương đến cơ sở; chỉ đạo các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện việc trả lời kịp thời, đúng quy định và thông báo kết quả giải quyết tới đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi có ý kiến chuyển đơn.

Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, với bản lĩnh chính trị vững vàng

Phát biểu tại Hội nghị và Lễ phát động, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngày 6/1/1946 đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội khóa I. Từ đó đến nay, ngày 6/1 trở thành ngày truyền thống của Quốc hội Việt Nam. Dù thời kỳ nào và trong hoàn cảnh nào, Quốc hội Việt Nam luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước.

Lần đầu tiên Ban Bí thư có thông báo chính thức đồng ý tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam với quy mô cấp quốc gia. Ban Bí thư đánh giá rất cao Đảng đoàn Quốc hội đã có sự chủ động từ sớm nội dung này; đồng ý đưa chương trình Lễ Kỷ niệm vào chương trình tổng thể các ngày lễ lớn của nhiệm kỳ này. Theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, lần đầu tiên công tác thi đua khen thưởng của Khối Quốc hội được Luật hóa, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định công tác thi đua công tác khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội. Triển khai luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và ban hành Nghị quyết số 43 quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và Nghị quyết số 44 về công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội.Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng của khối Quốc hội, do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phát động phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm triển khai các công việc theo kế hoạch. Phong trào thi đua tập trung vào 5 trọng điểm mà Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã phát biểu. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, với bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trí tuệ, giá trị cho Quốc hội; nỗ lực phấn đấu thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.

Mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân hãy đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức hoạt động, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng phong trào. Tuyên truyền thường xuyên về các hoạt động của Quốc hội và những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua. Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung đề ra của phong trào thi đua…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Tăng cường vai trò người đại biểu nhân dân

Về tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh năm 2023 là năm khối lượng công việc Quốc hội rất lớn, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã tích cực phát huy tinh thần lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả và quyết sách kịp thời, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, trong  công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục mở rộng, tăng thêm khối lượng công việc, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. Biểu dương những thành tích mà Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, mục đích cao nhất của việc đổi mới hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội là hướng đến nâng cao chất lượng của từng đại biểu Quốc hội, trước mắt là nâng cao chất lượng của công tác tiếp xúc cử tri.

Trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến với: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng các hoạt động giám sát bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, “đúng vai và thuộc bài”; hoạt động tái giám sát và giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; đóng góp ý kiến cho Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội mà Đảng đoàn Quốc hội đang xây dựng; dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và MTTQ về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; đề xuất sửa đổi, bổ sung với Nghị quyết 1004/2020/UBTVQH14 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội…