Tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, đưa pháp luật vào cuộc sống
26/12/2023 08:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024, diễn ra chiều 25/12.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo báo cáo, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hóa những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, ngành Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật.
Chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 237 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương đã thẩm định hơn 7.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101 của Quốc hội; rà soát các quy định pháp luật để phục vụ triển khai Đề án phát triển và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều mô hình hay, hiệu quả. Tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu, tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham gia của 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đáng chú ý, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ tác động đến hầu hết các lĩnh vực, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, nhất là việc tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực hiện chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
Nhận định năm 2024 có rất nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, bởi nếu làm tốt công tác này sẽ là động lực của sự phát triển, nếu làm không tốt sẽ tạo ra rào cản.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vị thế của đất nước đang đi lên, đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện. Điều này tạo áp lực cho ngành Tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế. Đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhưng vai trò của Bộ Tư pháp là lớn nhất, chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát văn bản chưa hoàn chỉnh.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế. Trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; tính toán xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025.
Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu.
Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần có giải pháp để cán bộ yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành. Để làm được điều này, trước hết, các cán bộ lãnh đạo phải nêu cao ý thức gương mẫu và tạo được nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho đội ngũ công chức, viên chức.
Ngoài ra, Bộ, ngành Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, các địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số...
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chung tay, góp sức để giải quyết các vướng mắc trong công tác tư pháp và pháp luật, đồng thời mong toàn ngành Tư pháp “chân cứng, đá mềm” nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được trong năm 2023, chỉ rõ tồn tại, hạn chế đồng thời đề xuất nhiều giải pháp triển khai công tác tư pháp năm 2024.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành đề nghị Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kinh nghiệm, phương pháp phối hợp hoạt động thời gian qua để hai cơ quan thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao; nhất là tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV; việc lập và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ; hướng dẫn quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Sơn đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp; chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với địa phương thực hiện hiệu quả Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?