Cần ưu tiên hỗ trợ lao động vùng khó khăn đi làm việc tại nước ngoài
22/11/2023 02:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động giúp nâng cao nhận thức của người lao động đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, giúp họ có ý thức học nghề, ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng, kỷ luật, đáp ứng yêu cầu làm việc tại các nước có nền kinh tế phát triển, với thu nhập cao. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc tại nước ngoài còn khá thấp, cần thêm nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ xuất khẩu lao động ở nhóm này.
Tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số đi nước ngoài còn thấp
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết trong những năm gần đây, số lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày một tăng, trung bình khoảng 8-10%/năm.
Đặc biệt, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số lượng lao động đi làm việc tại các nước có thu nhập tốt và ổn định như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Các thị trường này chiếm tới 95% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.
Tuy nhiên, số lượng lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn đi làm việc ở nước ngoài còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân, do địa bàn vùng biên giới là vùng sâu, vùng xa, người lao động thiếu thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng ít tuyển, do chi phí để tuyển lao động cao hơn các vùng miền khác, hiệu quả không cao do số lượng lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài không nhiều.
Tạo thêm cơ hội cho lao động dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đi làm việc tại nước ngoài là giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững. Nguồn: Internet
Điển hình có thể kể đến huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mường Nhé cho biết, những năm gần đây, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm Mường Nhé có 1 đến 2 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan. Mặc dù huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng do quen lao động tự do, ngại đi xa nên số người trên địa bàn tham gia xuất khẩu lao động ngày một giảm. Mặt khác, có trường hợp tổng thu nhập của người đi làm việc ở nước ngoài không cao như người làm việc trong nước.
Khó khăn của huyện Mường Nhé cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác. Mặc dù nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ được triển khai thực hiện là điều kiện vô cùng thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động ở các huyện 30a. Các thủ tục cần thiết của người tham gia xuất khẩu lao động được hoàn tất nhanh gọn. Phía doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ được tạo điều kiện thuận lợi vào địa bàn để tuyển dụng lao động... nhưng công tác XKLĐ không mấy khởi sắc.
Bên cạnh đó, người lao động tại các vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ, trình độ văn hóa, và sức khỏe để đi làm việc tại các thị trường có thu nhập tốt và ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Đối với các thị trường có mức thu nhập trung bình như Trung Đông, Malaysia không thu hút được người lao động tham gia. Ngoài ra, người lao động có tâm lý không muốn đi xa, ngại học ngoại ngữ, muốn đi ngay mà không cần phải học.
Cần thêm chính sách hỗ trợ các đối tượng đặc thù
Để tăng cường công tác đưa người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách và vận động các doanh nghiệp tham gia tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đàm phán với phía Hàn Quốc về việc ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc vùng đặc biệt khó khăn đi làm việc tại nước này theo Chương trình EPS, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp. Đồng thời, cần có hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài…
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc đưa lao động là người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đi làm việc tại nước ngoài hôm 7.11, Bộ trưởng BộLĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đây là chủ trương rất lớn trong tổng thể hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, hiện đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Cụ thể, trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã dành một chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này. Bên cạnh đó, Bộ đã ký với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) một chính sách miễn phí toàn bộ theo chương trình phi lợi nhuận với đối tượng lao động dân tộc thiểu số.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?