“Phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi”
19/08/2023 09:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chủ đề Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tại nhà Quốc hội sáng ngày 18/8.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục; bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF.
Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội đồng nhân dân một số địa phương cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho trẻ em những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện để trẻ em phát triển một cách toàn diện. Phát triển toàn diện trẻ em luôn là giải pháp nền tảng, quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển toàn diện trẻ em trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã và đang dành nhiều ưu tiên để trẻ em được phát huy tối đa tiềm năng, phát triển toàn diện về mọi mặt thể lực, trí lực và tâm lực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện cả về trí, thể, mỹ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, tạo điều kiện phát triển cho trẻ em trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận, tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hy vọng Hội thảo này sẽ giúp nhìn nhận rõ vấn đề, đưa ra các đề xuất, giải pháp khả thi, hiệu quả để các cơ quan hữu quan cùng chung tay tạo môi trường an toàn, lành mạnh nhất để trẻ em được học tập, vui chơi, phát triển toàn diện những khả năng, tiềm năng của mình.
Phó Trưởng đại diện UNICEF Lesley Miller phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng đại diện UNICEF Lesley Miller cho rằng, những năm đầu đời có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, hạnh phúc và thành công của trẻ em trong tương lai. Các bằng chứng khoa học cho thấy, thức ăn, sự kích thích, sự chăm sóc dành cho trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ, tác động đến khả năng học tập của trẻ cũng như việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ trong các giai đoạn sau của cuộc đời. Đặc biệt, trẻ em cũng cần được bảo vệ trước những vấn nạn như bạo lực, lạm dụng để tránh những tác hại lâu dài.
Phó Trưởng đại diện UNICEF cho biết, Việt Nam đã có Đề án quốc gia về phát triển trẻ em, tạo môi trường thuận lợi với cam kết chính trị mạnh mẽ hướng đến các mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em trên toàn quốc. Phó Trưởng đại diện UNICEF hy vọng, qua Hội thảo này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức sẽ phát triển, củng cố mối quan hệ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển toàn diện từ sớm cho trẻ em, qua đó tạo nền tảng cho phát triển kinh tế và gia tăng sự gắn kết xã hội.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được chia sẻ một số kết quả quan trọng trong thực hiện Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025”. Sau 4 năm thực hiện Đề án của Chính phủ và các kiến nghị của Quốc hội về phát triển toàn diện trẻ em, các chỉ số phát triển của trẻ em tại Việt Nam đã được cải thiện.
Các chính sách, pháp luật, chương trình, mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em được triển khai thực hiện trên toàn quốc: Tại Trung ương, 04 Bộ (Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Quyết định 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển toàn diện trẻ em. Cấp tỉnh có 62/63 tỉnh, thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025; 63/63 tỉnh, thành phố ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH trình bày tham luận tại Hội thảo
Tháng 11 năm 2019, Quốc hội đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em, tập trung thảo luận các nội dung: xây dựng và thực hiện chính sách phát triển toàn diện trẻ em từ 0 đến 8 tuổi; lồng ghép chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ ngân sách Nhà nước. Các ý kiến, kiến nghị của Hội nghị là cơ sở cho Chính phủ, các Bộ, ngành chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, chương trình, hoạt động liên quan, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện phát triển toàn diện trẻ em tại Việt Nam.
Việc lồng ghép chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được quan tâm. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 đã lồng ghép nội dung phát triển toàn diện trẻ em vào quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp một cách phù hợp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để thu thập số liệu, kịp thời cập nhật tình hình trẻ em, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về trẻ em, là cơ sở phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và hoạch định chính sách liên quan tới trẻ em; Lộ trình quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 cũng xác định 17/119 lộ trình có liên quan đến trẻ em. Các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam liên quan đến trẻ em cũng đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của các bộ, ngành có liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo Phát triển toàn diện trẻ em là cơ hội để các đại biểu bộ, ngành, địa phương và chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện trẻ em thuộc 4 nhóm nội dung chính:
(i) Tiếp cận giáo dục mầm non;
(ii) Chăm sóc dinh dưỡng;
(iii) Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em dưới 6 tuổi;
(iv) Tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện quy định tại khoản 3 và 4 Điều 79 Luật Trẻ em, tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử và không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Theo Cổng TTĐT Bộ LĐ-TB&XH
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
Ngành BHXH Việt Nam: Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?