Tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

08/06/2023 09:22 AM


Là một trong những nội dung quan trọng trong phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sáng 07/5. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Dù đây lần đầu tiên trả lời chất vấn song Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nắm chắc vấn đề, giải trình khá đầy đủ. Qua chất vấn đã làm rõ được nhiều vấn đề cả về thực tiễn, giải pháp và trách nhiệm.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Phát triển vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Phát biểu kết luận nội dung phiên chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, luôn là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, cấp bách là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên chất vấn, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực dân tộc phụ. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã có 62 vị đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Trong đó có 35 đại biểu đã tham gia chất vấn gồm 28 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với 27 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, gửi chất vấn đến Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản và Tổng Thư ký Quốc hội cũng sẽ tổng hợp để khi nghiên cứu hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã rất bình tĩnh tự tin, chuẩn bị tốt nội dung cơ bản, nắm chắc vấn đề sâu sát với thực tiễn đã tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; giải trình khá đầy đủ, đồng thời đề xuất được phương hướng và một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch Quốc hội kết luận nội dung chất vấn 

Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng đã làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành, cơ quan có liên quan. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng tham gia trả lời giải trình, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc và việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dù mới được giao tiếp quản nội dung này, thời gian chưa nhiều những đã rất tích cực và nỗ lực giúp cho Chính phủ nói chung và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh và tăng tốc công tác.

Ghi nhận nhiều chuyển biến trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Dân tộc và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng khá toàn diện, tạo nên nhiều chuyển biến trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nước ta; góp phần tăng cường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các luật, nghị quyết khác nhằm tạo cơ chế thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 sau Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đã tích hợp gần 200 chính sách của đồng bào dân tộc. Đồng thời, đã ban hành các luật, nghị quyết khác nhằm tạo cơ chế thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. 

Bên cạnh đó, qua chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Nhìn chung, các chính sách dân tộc còn phân tán, dàn trải, hiệu quả còn chưa cao. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn chậm.

Đại biểu Quốc hội tham dự

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, kết quả đạt được đến nay còn hạn chế; các văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể; thủ tục tiếp nhận, phê duyệt các chương trình, dự án còn phức tạp; sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền các cấp còn bất cập, lúng túng. Việc phân định các xã, thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được giải quyết dứt điểm.

Việc huy động các nguồn lực cho chương trình và phân bổ sử dụng các nguồn lực còn khó khăn. Theo phương châm mà Đảng đề ra đối với công tác dân tộc là nguồn lực Nhà nước là quyết định và nguồn lực xã hội hóa là quan trọng thì nay cả trong việc cả huy động quản lý, sử dụng, phân bổ đều đang còn có những vướng mắc, khó khăn. Có những trường hợp có tiền mà chưa tiêu được, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được triển khai hiệu quả. Đời sống một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Việc phục hồi sản xuất chưa bền vững không ít hộ dân chưa được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội do chưa đăng ký được hộ khẩu, thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại cho sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào và việc triển khai các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các nội dung cần tập trung trong thời gian tới.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn 

Một là, quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030. Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định và hướng dẫn còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là việc phân bổ quản lý, sử dụng vốn thực hiện chương trình, chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án tiểu dự án nội dung trong chương trình bảo đảm hiệu quả thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý, cần nghiên cứu thí điểm việc phân cấp khoán gọn kinh phí của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn 1 huyện, báo cáo Quốc hội tại kỳ giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu của quốc gia. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, hiện nay đều nhận định rất khó khăn trong việc lồng ghép, vấn đề phân công, phân cấp, phân quyền. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề về nghiên cứu xem thí điểm trên địa bàn 1 huyện nào đó để lồng ghép 3 Chương trình này. Theo đó, giao toàn quyền cho huyện căn cứ nhu cầu thực tiễn để bố trí để hướng đến đạt được mục tiêu của cả 3 Chương trình, không cần phải chi li đến mức độ là “đồng này mua muối, đồng này mua mắm”, “đồng này là với chương trình này, đồng kia là của chương trình kia”. Đây là một trong những nội dung mà trong tổng kết Nghị quyết 15-NQ/TW của Trung ương về 10 năm thực hiện chính sách xã hội đã đặt ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu khả năng này để  cùng bàn luận, xem xét. Nếu cần thiết để những quyết sách kịp thời tại kỳ họp của cuối năm của Quốc hội khi tiến hành giám sát chuyên đề về các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Hai là, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn. Đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Đồng thời, chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân. 

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư doanh nghiệp, quy hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập đến rất nhiều để có thể thu hút được ngay đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng của từng vùng, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.

Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các dự án liên kết có tác động lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội của vùng để rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn tới các thị trường tiêu thụ.

Ba là, sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021-2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách sát nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Trước mắt, khẩn trương chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 2 (tháng 8/2021) về phân định miền núi, vùng cao, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9/2023.

Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong đó, cần chủ động nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh nguồn vốn phù hợp với điều kiện của các địa phương, tính toán cơ chế hỗ trợ nhà ở, đất ở sát với thực tiễn.

Đến năm 2025 phấn đấu đạt được các mục tiêu: giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ; giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ; giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ; cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số dân đã di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do theo quy định... Chủ động đề xuất việc đánh giá sơ kết, tổng kết thực hiện các chính sách, rút ra bài học kinh nghiệm và xây dựng các chính sách sẽ triển khai thực hiện của Chương trình trong giai đoạn 2026 – 2030.

Năm là, hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự. Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng; điều chỉnh nâng mức hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ đồng bào tạo việc làm, tăng thu nhập từ rừng, gắn bó hơn với rừng; bố trí đủ nguồn lực để tổ chức bảo vệ rừng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng. Đảm bảo mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ 14,609 triệu ha rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới; giảm tối thiểu 10%/năm về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.